Ưu tiên ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động chăm lo ĐV&NLĐ của công đoàn ngành có nhiều điểm khác so với mọi năm.
“Các năm trước, Công đoàn Công Thương Việt Nam trực tiếp xây dựng kế hoạch, rà soát các ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn ở các cấp công đoàn rồi hỗ trợ. Năm nay công đoàn ngành thực hiện việc chăm lo theo kế hoạch của Tổng LĐLĐVN. Theo đó, các CĐCS cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn tích lũy của đơn vị xây dựng dự toán để đảm bảo kế hoạch chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ.
Các công đoàn cấp trên cơ sở cân đối nguồn thu, chi trong năm sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy hiện có để hỗ trợ công đoàn cấp dưới thực hiện chăm lo cho ĐV&NLĐ; nếu không đủ kinh phí thì đề nghị Công đoàn Công Thương Việt Nam hỗ trợ. Các cấp Công đoàn thực hiện chủ trương xã hội hóa huy động các nguồn lực phục vụ cho kế hoạch chăm lo cho ĐV, NLĐ theo các quy định của pháp luật và của Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Công Thương Việt Nam. Các cấp Công đoàn trong ngành dự kiến sẽ dành trên 50 tỉ đồng để hỗ trợ ĐV&NLĐ tại các doanh nghiệp và ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong ngành” - ông Huy cho hay.
Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ ĐV&NLĐ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, an toàn, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế, chính quyền địa phương với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS tổ chức linh hoạt, đa dạng các hình thức chăm lo, hỗ trợ Tết, tập trung chăm lo, hỗ trợ ĐV&NLĐ tại các doanh nghiệp, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương, đơn vị theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ.
Ưu tiên ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bão lũ; ĐV&NLĐ thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, ĐV&NLĐ không về quê đón Tết để làm việc, lao động, sản xuất.
CĐCS động viên ĐV& NLĐ quay trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết
Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng yêu cầu các CĐCS chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai và giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác đảm bảo quyền lợi của ĐV&NLĐ; điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định. Động viên ĐV&NLĐ sớm quay trở lại sản xuất ngay sau khi nghỉ Tết nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng tuổi… cho ĐV&NLĐ ngoài tiền lương được thanh toán theo quy định của pháp luật. Tại những đơn vị có điều kiện, tổ chức Tết Sum vầy cho ĐV&NLĐ hoặc có những hình thức động viên, chăm lo khác. Có hình thức động viên ĐV&NLĐ trực Tết thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn. Tuyên truyền NLĐ trở lại làm việc đúng thời gian quy định sau Tết Nguyên đán.
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hồng Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) cho biết, nhận được kế hoạch của Công đoàn Công Thương Việt Nam, Ban Chấp hành CĐCS Công ty đã xây dựng chương trình chăm lo Tết cho ĐV&NLĐ. Theo đó, CĐCS sẽ chi hỗ trợ cho khoảng 2.200 ĐV&NLĐ, mỗi người 300.000 đồng; ngoài ra CĐCS còn phối hợp với lãnh đạo công ty có những phần quà cho gia đình ĐV&NLĐ. CĐCS cũng chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động vui Xuân cho ĐV&NLĐ không có điều kiện về quê ăn Tết, thăm hỏi gia đình; với phương châm vui tươi, an toàn, tiết kiệm; chủ động nắm số lượng ĐV&NLĐ có nhu cầu về quê nghỉ Tết để tổ chức các hình thức đưa ĐV&NLĐ về quê ăn Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn.