Phấn khởi vì được tăng ca
Trong căn bếp chật chội, anh Trung Anh (25 tuổi, Hà Nội) - Công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội đang cùng vợ nấu cơm trưa. Tiết trời đã chuyển sang thu nhưng vẫn nóng bức, vừa đứng bếp, nam công nhân mồ hôi nhễ nhại, nói: "Tôi đang cố kiếm tiền để xây bếp mới".
Sống cùng nhà với bố mẹ, không phải thuê nhà như nhiều công nhân khác song anh Trung Anh vẫn khẳng định, nếu không tăng ca, lương công nhân sẽ rất chật vật.
Hiện lương cơ bản cộng phụ cấp, anh Trung Anh được khoảng 6,8 triệu đồng/tháng; có tăng ca thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Theo anh, số tiền này để nuôi con nhỏ, ăn uống, xăng xe... phải rất tằn tiện mới đủ chi tiêu.
Phải ngưng việc 2 tuần trong tháng 6 và tháng 7, đến nay, chị Hoàng Thị Thơm (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) đã được tăng ca đều trở lại. Mỗi ngày, chị Thơm sẽ được làm thêm 3-4 tiếng và đi làm 12 tiếng vào thứ 7, chủ nhật. Do vậy, tiền lương chị Thơm nhận về cũng hơn 10 triệu đồng. Nhớ lại 2 tháng phải ngưng việc, thu nhập của nữ công nhân chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.
"Lý do tháng 6 và tháng 7, nhóm công nhân bị giảm giờ làm vì công ty bán một số thiết bị máy móc đang sử dụng sức lao động và thay vào đó bằng máy móc hoạt động theo công nghệ tự động. Thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều công nhân đã xin nghỉ việc. Nay tôi thấy công ty vẫn tuyển dụng lao động. Khi chưa có đủ nhân công, công nhân lâu năm như tôi sẽ được tăng ca nhiều hơn" - chị Thơm nói.
Với chị Thơm, tăng ca dù có mệt mỏi hơn nhưng chị lấy đó làm động lực vì có thêm tiền dành dụm khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm.
Được làm thêm không quá 300 giờ/năm
Hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương cơ bản của chị Nguyễn Thị Hoài ở mức 7 triệu đồng. 3 tháng này, thu nhập của chị tăng lên 8,5 triệu đồng do tăng ca mỗi ngày 1 tiếng.
Công nhân may như chị Hoài không để ý mỗi giờ tăng ca được thêm bao nhiêu tiền, nhưng chị luôn muốn tăng ca để kiếm thêm tiền. Đều chị quan tâm hàng đầu là 8,5 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản phí như tiền trọ kèm điện 1 triệu đồng, mua thức ăn, đồ dùng cá nhân 3 triệu đồng, chị còn hơn 4 triệu đồng cho gia bản thân và gia đình.
Chồng chị Hoài cũng là công nhân, gắn bó với nhà máy 11 năm, nếu không làm thêm giờ, thu nhập 8 triệu đồng/tháng. "2 năm chống chọi với dịch bệnh, nay chồng tôi mới được tăng ca đều đặn, thu nhập dao động ở mức 12 triệu đồng/tháng" - chị Hoài cho hay.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết - hiện nay, giờ làm thêm của người lao động được quy định theo Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15. Theo đó, từ ngày 1.4.2022, tăng giờ làm thêm trên 40 giờ/tháng nhưng không quá 60/tháng, 200 giờ/năm nhưng không quá 300 giờ/năm.
Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày được tính mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường; mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường. Mức hưởng ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường; mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.