Gánh nặng tiền thuê nhà
Với đồng lương thấp, tiền thuê nhà đang là một trong những “gánh nặng” của NLĐ tha hương. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khi thu nhập giảm, thậm chí không có, nhiều NLĐ đã phải khất nợ chủ nhà trọ.
Chị Sếnh là NLĐ của một công ty điện tử trong khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Vợ chồng chị thuê một phòng trọ với giá 1,2 triệu đồng/tháng tại gần nơi làm việc. “Vợ chồng tôi muốn ở phòng trọ ổn ổn chút, nên thuê với giá trên. Cũng có phòng trọ có giá khoảng 700.000-800.000 đồng nhưng chật chội, lại xa nơi làm nên tôi không thuê” - chị Sếnh cho hay. Ngoài ra, hằng tháng, anh chị còn phải trả tiền điện, nước khoảng 200.000-300.000 đồng.
Làm công nhân được 1 năm, mức lương cơ bản của chị Sếnh là 4 triệu đồng/tháng; các khoản phụ cấp được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca đều, thu nhập của chị được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng; tăng ca ít thì được khoảng hơn 6 triệu đồng. “Tiền thuê nhà, điện nước chiếm một tỉ lệ lớn so với thu nhập của vợ chồng tôi” - chị Sếnh chia sẻ.
Bình thường, khoản tiền thuê trọ đã là gánh nặng với đôi vợ chồng trẻ này, khi dịch COVID-19 xảy ra, họ còn chật vật hơn. Trước đây, tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19, vợ chồng chị Sếnh phải nghỉ làm, cách ly ở phòng trọ 2 tháng. Không có lương, thời gian đó, chị Sếnh phải xin chủ nhà trọ khất nợ 2 tháng. “Hằng tháng, trừ các khoản thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, tôi còn phải gửi về hỗ trợ cho gia đình ở quê. Gần như tiền kiếm được tháng nào ăn hết tháng đó, không tiết kiệm được đồng nào. Đi làm mãi mà vợ chồng tôi không để được đồng nào phòng những lúc ốm đau, hoạn nạn” - chị Sếnh nói.
Bà Phạm Thi Oanh - chủ nhà trọ tại xã Song Khuê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, giá phòng trọ của bà 1,2-1,4 triệu đồng/phòng/tháng. “Công nhân thường ở một mình hoặc ở với một bạn khác để san sẻ chi phí. Khu nhà trọ cũng có gia đình NLĐ thuê trọ nhưng thường chỉ có vợ chồng ở, các con được gửi ở quê” - bà Oanh nói.
Theo bà Oanh, những người mới đi làm do chưa có lương nên thường phải nợ tiền nhà tháng đầu tiên, người có việc làm ổn định thường tuân thủ thời gian nộp tiền nhà.
Bà Oanh cho hay, thu nhập của NLĐ nếu có tăng ca khoảng 10 triệu đồng/tháng; không tăng ca được 7-8 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trên đủ để họ trang trải các khoản chi của cuộc sống xa nhà, trong đó có tiền thuê trọ; cũng có khi họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thời điểm phải phải cách ly để phòng chống dịch.
Đề nghị điều chỉnh một số yếu tố
Vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2022. Để có căn cứ tính mức sống tối thiểu của NLĐ trong năm 2022, Tổng LĐLĐVN đề nghị các cơ quan chức năng cần xác định chi phí lương thực, thực phẩm (LTTP) theo lượng 2.300 kcal/ngày/người dựa trên tham chiếu chi tiêu của nhóm dân cư 2-3 do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2020; chi phí nuôi con bằng 70% chi phí tối thiểu của NLĐ; dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho giai đoạn 2021 - 2022 là 4%/năm; tỉ lệ đóng góp của lao động vào GDP năm 2019 là 14,2% theo Viện Năng suất Việt Nam và theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG, tỉ lệ đóng góp của lao động vào GDP năm 2022 sẽ là 0,9% (14,2% x 6%); xác định hệ số chênh lệch giữa các vùng so với vùng IV là: Vùng I bằng 1,45; vùng II bằng 1,3; vùng III bằng 1.15 như thông lệ hằng năm…
Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị điều chỉnh một số yếu tố như điều chỉnh cơ cấu LTTP - phi LTTP để tính mức sống tối thiểu từ tỉ lệ 48% - 52% sang tỉ lệ 47,5% - 52,5% (tương ứng với Sri Lanka: 47,6%) hoặc theo tỉ lệ 47% - 53% (tương ứng với Philippines: 47,1%). Một số quốc gia khác có cơ cấu tiến bộ hơn như Campuchia (46,2%), Mông Cổ (45,1%), Ấn Độ (44,6%), Thái Lan (39,6%); đề nghị điều chỉnh mức tiền thuê nhà cho 1 NLĐ tăng thêm khoảng 5% để sát với thực tế...
Tổng LĐLĐVN đề nghị sớm tăng lương tối thiểu vùng dựa trên các căn cứ sau: Điều 91 Bộ luật Lao động 2019: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp, xác định: “Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia”; “Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp…).
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội: GDP tăng khoảng 6,0 - 6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%.
Căn cứ vào tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam.
Theo Tổng LĐLĐVN cần điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ trong bối cảnh gần 2 năm Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu; 2 năm qua NLĐ đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành, nỗ lực cùng với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Về phía doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm để bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho NLĐ.