Đơn hàng tăng trở lại
Theo bà Vũ Thị Mai Loan - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam, hiện doanh nghiệp nhận được đơn hàng rất nhiều, đảm bảo việc làm cho nhiều tháng tới. Hiện tổ chức công đoàn đã đề xuất tăng lượng và đang chờ lãnh đạo công ty duyệt.
Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Venus Việt Nam cho biết, công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 10.2024, chắc chắn trong thời gian tới, việc tăng ca sẽ nhiều hơn đồng nghĩa với thu nhập của công nhân lao động cũng sẽ được cải thiện.
Theo ông Trương Bá Hiền - Chủ tịch LĐLĐ huyện Nông Cống, địa bàn huyện đang có sự dịch chuyển lao động nội bộ đáng kể do việc tăng thu nhập ở một số đơn vị nhằm thu hút người lao động.
Để bức tranh lao động ngày càng sáng màu hơn, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở và các Công đoàn cơ sở cần tiếp tục kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp để đồng hành cùng công nhân cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Khó tuyển công nhân
Đơn hàng tăng đi liền với việc nhiều đơn vị mở thêm xưởng sản xuất nên nhu cầu tuyển công nhân lao động trên địa bàn ngày càng cao. Theo tổng hợp, trong năm 2024 dự báo có 24 công ty có nhu cầu tuyển khoảng 18.700 công nhân lao động nhưng việc tuyển dụng ngày càng khó.
Từ tháng 11.2023 đến nay, bộ phận nhân sự Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam liên tục đăng tin tuyển nhiều vị trí như phiên dịch, văn phòng, quản trị, kinh doanh… và liên tục đăng tin tuyển công nhân với số lượng lớn. Để thúc đẩy việc tuyển dụng công nhân, công ty đã đưa ra chính sách thưởng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho người giới thiệu 1 công nhân vào làm việc tại công ty.
Bà Nguyễn Thị Phú - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam cho hay, công ty sẵn sàng nhận tất cả công nhân từ các đơn vị ngành may khác trên địa bàn tỉnh vì hiện công ty đang rất thiếu công nhân. Theo bà Phú, trong thời gian vài tháng qua, công ty tuyển dụng được khoảng 600 công nhân nhưng số xin nghỉ việc cũng tương tự.
“Công nhân nghỉ việc có nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là xin nghỉ để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Đa số những người xin nghỉ đều có thâm niên, tay nghề cao, chúng tôi rất tiếc” - bà Phú nói.
Tương tự, trong năm 2024, Công ty TNHH Giày Venus Việt Nam sẽ hoàn thành thêm xưởng sản xuất mới ở huyện Thạch Thành, nhu cầu tuyển công nhân lao động nhiều nhưng hiện công ty đang rất lo lắng vì nguồn tuyển không nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trước thực tế công nhân lao động trong tỉnh ngày càng thiếu nhưng số công nhân là người Thanh Hóa làm việc ở các tỉnh phía Nam và Hà Nội, Bắc Ninh vẫn nhiều.
Qua khảo sát của ông Thế Anh, thực tế mức lương của những công nhân đi làm xa quê cũng không cao hơn là bao so làm việc ở trong tỉnh, nhiều trường hợp chỉ bằng hoặc có thể thấp hơn nhưng họ vẫn ra đi vì thói quen, vì sự ổn định và ngại thay đổi.
“Đầu năm mới, là người tổ chức tiễn chân công nhân lao động tỉnh nhà lên xe đi Hà Nội mà tôi rất băn khoăn, nhưng đó là sự lựa chọn của công nhân, mình tôn trọng và tạo điều kiện hết sức có thể” - ông Ngô Thế Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, những năm qua, Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước, dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh với xu hướng ngày càng tăng, do đó, nhu cầu tuyển công nhân lao động ngày một nhiều.
Để giữ chân công nhân, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng thực hiện phúc lợi xã hội, đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập hấp dẫn để công nhân gắn bó và cũng mong các chế độ chính sách, tiền lương đủ hấp dẫn để công nhân người Thanh Hóa đang làm ở tỉnh ngoài có thể yên tâm trở về làm việc trên quê hương mình.