Xây dựng kế hoạch tư vấn pháp luật online cho đoàn viên, CNLĐ, hướng tới mọi đoàn viên CĐ đều được miễn phí tư vấn pháp luật online và xây dựng mô hình thí điểm giải quyết tranh chấp lao động, đình công là hai trong số nhiều nội dung quan trọng của hội nghị.
Đẩy mạnh tư vấn pháp luật tự động, online
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật trình bày Tờ trình về xây dựng kế hoạch tư vấn pháp luật online cho đoàn viên, CNLĐ. Theo dự thảo, mục đích của Kế hoạch này nhằm giải đáp yêu cầu tư vấn pháp luật lao động của đoàn viên, người lao động (NLĐ) một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác; giúp đoàn viên, NLĐ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động; hướng dẫn, tư vấn đoàn viên, NLĐ ứng xử đúng pháp luật trong từng hoàn cảnh cụ thể để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho đoàn viên, NLĐ, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật lao động đối với NLĐ và người sử dụng lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các DN, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.
Đối với các hình thức tư vấn pháp luật online, đáng chú ý là hình thức tư vấn pháp luật tự động qua chatbot (trợ lý ảo). Cụ thể, sẽ xây dựng phần mềm chatbot sử dụng trên tất cả hệ thống Cổng thông tin điện tử của CĐ.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xây dựng hình thức tư vấn pháp luật bằng hệ thống trả lời tự động tích hợp qua các thiết bị số hoặc màn hình hỏi đáp tại các địa điểm đông CNLĐ, có nhu cầu tư vấn pháp luật cao.
Các ý kiến đều cho rằng, tư vấn pháp luật online là rất cần thiết, qua đó nâng cao vị thế CĐ. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh, mục tiêu ban đầu của kế hoạch là tuyên truyền pháp luật và tiến tới là tư vấn pháp luật. Theo đó cần phải xác định rõ mục đích, mục tiêu của kế hoạch để có lộ trình, mô hình thực hiện phù hợp. Theo đồng chí Trần Thanh Hải, đối với CNLĐ, việc tuyên truyền pháp luật là rất cần thiết, giúp đoàn viên, CNVCLĐ nắm vững về luật pháp, tự biết bảo vệ quyền lợi của mình.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, wifi, smartphone phổ biến, trong khi đoàn viên, NLĐ có ít thời gian đến các Trung tâm tư vấn, thì hình thức tư vấn pháp luật online giúp họ dù ở nhà cũng có thể được giải đáp những câu hỏi liên quan đến pháp luật, nhất là pháp luật lao động.
Tuy nhiên, đồng chí Mai Đức Chính cũng như nhiều đồng chí khác băn khoăn về vấn đề nhân lực. Bởi lẽ, việc tư vấn pháp luật cho CNLĐ đòi hỏi phải vừa có kiến thức về luật và cả thực tiễn. Đồng chí nhấn mạnh, để thực thi kế hoạch, phải xây dựng được đội ngũ các chuyên gia, luật sư để tư vấn hiệu quả cho đoàn viên, NLĐ.
Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cho rằng, nên phân tầng về nhân lực thực hiện, bởi lẽ đoàn viên, NLĐ từng ngành thì có những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành đó.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - cho rằng đối với vấn đề nhân lực, cần phải phân loại, phân công nhiệm vụ theo từng cấp xử lý và huy động cả hệ thống, theo đó, Tổng LĐLĐVN chỉ giải quyết những vấn đề vĩ mô và cấp bách.
Về vấn đề này, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh Trần Danh Chức đề xuất hình thành trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Việt Nam, trong đó, bên cạnh cách thức tư vấn pháp luật qua “trợ lý ảo” thì còn tiến hành những chương trình tư vấn pháp luật các nội dung chuyên đề; thiết lập đường dây nóng trả lời qua điện thoại.
Với các ý kiến đóng góp trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đánh giá đây là vấn đề rất hay, hữu ích, cần thiết với NLĐ, tổ chức CĐ. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tiếp thu các ý kiến đóng góp; đồng thời giao cho Ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐVN) hoàn thiện kế hoạch này và quyết tâm làm theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bởi lẽ, đây là nhu cầu rất cần thiết của đoàn viên, NLĐ.
Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng được lực lượng tư vấn (giảng viên, luật sư, chuyên gia…) cũng như phải chọn được người chuyên trách điều phối; đồng thời, công tác tư vấn phải tiến hành thực sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể nếu ai là đoàn viên CĐ thì sẽ được miễn phí tư vấn pháp luật online.
Mô hình thí điểm giải quyết tranh chấp lao động, đình công
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày tờ trình về việc xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng mô hình thí điểm giải quyết tranh chấp lao động và đình công theo hướng cải tiến rút gọn tại tỉnh Bình Dương. Mục đích của kế hoạch này là triển khai một số hoạt động để thống nhất với các bộ, ngành và địa phương nhằm xây dựng mô hình thí điểm giải quyết tranh chấp lao động và đình công theo hướng cải tiến, rút gọn tại tỉnh Bình Dương theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Dân vận Trung ương. Các hoạt động phải được tiến hành chặt chẽ, bài bản, khoa học, tạo sự đồng thuận cao trên cơ sở nền tảng là các quy định của pháp luật hiện hành được tiếp cận dưới giác độ cải tiến, rút gọn.
Theo đồng chí Mai Đức Chính, kể từ khi Bộ luật Lao động ban hành (1994) đến nay, đã có khoảng 7.000 cuộc đình công, nhưng chưa có cuộc nào đúng trình tự pháp luật. Theo đồng chí, một trong những nguyên nhân là bởi sự can thiệp hành chính vào các cuộc tranh chấp.
Đồng chí Vũ Anh Đức - Trưởng ban Tổ chức (Tổng LĐLĐVN) nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa giải trong tranh chấp, là một quá trình liên tục từ bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc. Qua đó đề xuất cần thí điểm cơ chế hòa giải trong tranh chấp lao động.
Đồng tình và nhấn mạnh về cách thức hòa giải, thương lượng trước hết là trong tranh chấp lao động cá nhân, Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải cho rằng nếu giải quyết tốt được điều này sẽ góp phần không xảy ra tranh chấp lao động tập thể, từ đó xây dựng mô hình cho phù hợp.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Bùi Văn Cường cho rằng, kế hoạch cần đánh giá các bất cập; thống nhất chủ trương, phân công thực hiện cũng như cho ý kiến bước đầu về mô hình thí điểm; phải hết sức cụ thể. Đây là vấn đề mới, nên còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhưng tổ chức CĐ quyết tâm thực hiện.
Dự kiến, sau Đại hội XII CĐ Việt Nam, Tổng LĐLĐVN sẽ báo cáo với Trưởng ban Dân vận Trung ương một lần nữa, sau đó sẽ bắt đầu triển khai xây dựng mô hình thí điểm vào tháng 11.2018. Qua quá trình vận hành mô hình đến tháng 6.2019 sẽ rút ra những điểm để góp ý sửa Luật Lao động về nội dung tranh chấp lao động, đình công.
Cùng dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngoài hai nội dung trên, hội nghị còn cho ý kiến về công tác cán bộ; một số vấn đề liên quan đến Đại hội XII CĐ Việt Nam; cho ý kiến để trình ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ và cán bộ CĐ đối với Đảng; cho ý kiến về danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, Ban bầu cử tại Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII; công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII.