Lao động Việt Nam mắc kẹt tại Algeria mong sớm được hồi hương

Việt Lâm |

Trong đơn gửi Báo Lao Động, anh Hoàng Chí Thanh (sinh năm 1991, quê Quảng Bình) hiện đang ở Algeria cho biết, hiện nay anh và hơn 10 NLĐ khác dù đã hết hạn hợp đồng hơn 1 năm với chủ sử dụng lao động, nhưng vẫn mắc kẹt tại xứ người và ngày đêm mỏi mòn, mong muốn được về Việt Nam.

Nhiều tháng không có việc làm

Nhận được thông tin của anh Thanh, phóng viên Báo Lao Động đã liên lạc và kết nối với anh qua mạng xã hội Zalo.

“Ngày 3.10.2018, tôi có ký hợp đồng đưa người đi lao động tại Algieria với Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC) do ông Ngô Bá Quyết - Giám đốc Công ty làm đại diện, thời hạn hợp đồng 2 năm. Trước khi sang Algeria tôi phải nộp cho Công ty Thăng Long OSC 40 triệu đồng. Trong quá trình làm việc tại Algeria, tôi nhận được mức lương trung bình 630 USD/tháng” - anh Thanh cho biết.

Theo anh Thanh, trung bình mỗi ngày người lao động làm các công việc buộc sắt, bốc vác, đổ bêtông… trong khoảng thời gian 10h (trong đó 8h là thời gian làm việc hưởng lương cơ bản, 2 giờ là thời gian hưởng lương làm thêm). “Mặc dù công việc rất vất vả và trong thời gian khắc nghiệt nhưng chúng tôi vẫn cố gắng lao động để kiếm tiền trả khoản nợ đã vay để nộp vào công ty và cải thiện kinh tế gia đình. Hằng tháng, chủ sử dụng lao động bên Algeria sẽ chuyển trả khoản lương của chúng tôi vào tài khoản của Công ty OSC Thăng Long, sau đó công ty chuyển về cho người thân trong gia đình” - anh Thanh cho hay.

Tới tháng 10.2020, mặc dù đã hết hạn hợp đồng, nhưng anh Thanh và những NLĐ khác vẫn ở lại Algeria làm việc. “Bởi do dịch COVID-19, không có đường bay thẳng về Việt Nam, nên giá vé cao - chủ sử dụng không mua vé nên NLĐ phải ở lại Algeria” - anh Thanh lý giải.

Công việc và thu nhập của NLĐ Việt Nam tại Algeria đang diễn ra bình thường thì dịch COVID-19 bùng phát, khiến công trình bị ngừng trệ, NLĐ Việt Nam bắt đầu nghỉ việc từ tháng 5.2021, sau khi làm việc hết tháng 4.2021 mà chủ sử dụng lao động không trả lương đúng hạn.

“Từ tháng 5.2021 đến nay là gần 6 tháng, NLĐ chúng tôi nghỉ việc, ăn ngủ ở ký túc xá và nóng lòng muốn trở về với gia đình. Tôi đã bày tỏ nguyện vọng với chủ sử dụng lao động và lãnh đạo Công ty OSC Thăng Long là muốn được đưa về Việt Nam hoặc chuyển đổi chỗ làm để có việc làm nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Đặc biệt, chúng tôi nhận được thông tin: Muốn được về nước sớm thì phải nộp thêm 50 triệu đồng. Việc này khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng” - anh Thanh bức xúc nói.

Sẽ bố trí việc làm cho NLĐ trong thời gian chờ đường bay thẳng về Việt Nam

Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía NLĐ Việt Nam tại Algeria, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty OSC Thăng Long.

Về các nội dung anh Hoàng Chí Thanh phản ánh như nợ lương, quá hạn hợp đồng không được về nước, muốn về phải nộp thêm tiền... Ông Nguyễn Trần Thăng - Phó Tổng Giám đốc Công ty OSC Thăng Long - cho biết, từ tháng 10.2020 đến nay, công ty có 20 lao động làm việc tại 4 công trình của đối tác bên Algeria là Công ty Kim Hoa - JHGJ; trong số đó có anh Hoàng Chí Thanh. Tất cả số lao động này đều đã hết hạn hợp đồng và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hiện tại việc làm không có. Chủ sử dụng lao động đang nợ lương tháng 4.2021 chưa chuyển về Việt Nam để trả cho người lao động.

Về thông tin NLĐ phản ánh là muốn về Việt Nam thì phải thêm nộp 50 triệu đồng, ông Thăng khẳng định là có việc trên, bởi hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không có chuyến bay thẳng từ Algeria về Việt Nam, mà phải quá cảnh tại Doha (Quatar) nên chi phí sẽ bị đội lên nhiều. Trong khi đó, tại hợp đồng có điều khoản phí giao thông di chuyển do chủ sử dụng chi trả là 500USD. Do đó, NLĐ muốn về nước trong thời điểm hiện nay thì phải nộp thêm 50 triệu đồng. Đã có nhiều NLĐ Việt Nam bỏ thêm tiền để được về nước.

Khi phóng viên chất vấn về trách nhiệm của Công ty OSC Thăng Long đối với những NLĐ hiện đang mắc kẹt tại Algeria, trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và tâm lý bất ổn, ông Thăng khẳng định công ty không hề bỏ rơi NLĐ như phản ánh của họ.

“Sau khi nhận được phản ánh của NLĐ, lãnh đạo công ty đã làm việc với đối tác bên Algeria và yêu cầu họ có kế hoạch chuyển số công nhân về các công trình gần thủ đô để bố trí việc làm cho đến khi có các chuyến bay thẳng về Việt Nam. Công ty OSC Thăng Long cũng đã yêu cầu đối tác khẩn trương xử lý việc gia hạn visa để đảm bảo an toàn cho NLĐ. Về tiền lương tháng 4.2021, chủ sử dụng nợ NLĐ, công ty cũng đã yêu cầu đối tác chuyển ngay về Việt Nam để chúng tôi trả cho gia đình NLĐ. Đặc biệt, công ty đã thường xuyên liên lạc, báo cáo tình hình và nhờ sự can thiệp giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam nhằm hỗ trợ NLĐ” - ông Thăng cho biết.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục xác minh và thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc.

Việt Lâm
TIN LIÊN QUAN

Nhiều lao động mắc kẹt tại Hà Nội "đói" việc làm, không có thu nhập

LƯƠNG HẠNH |

Hơn 2 tháng qua không kiếm ra thu nhập, cũng không thể về quê, 19 lao động tự do sống trong căn biệt thự bỏ hoang ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cầm cự bằng gói mì tôm, quả trứng cho qua ngày.

Bộ Tài chính xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Mai Ánh |

Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh theo kiến nghị của các cử tri từ 6 tỉnh, thành phố.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.