Mong được đi làm, có thu nhập
Chị Bàn Thị Quyên, công nhân (CN) Công ty may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, năm 2021, chị và nhiều CN khác của công ty bị nhiễm COVID-19 và được CĐCS hỗ trợ đưa đi điều trị, tiếp tế vitamin C sủi, cháo ăn liền, thuốc ho, thuốc cảm trong thời gian ở tại cơ sở cách ly tập trung. Còn công ty phải ngừng hoạt động nhiều tháng để phòng, chống dịch, CN chỉ được hưởng lương tối thiểu vùng, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
“Tôi mong muốn năm 2022 dịch bệnh COVID-19 sẽ được khống chế để không còn ai bị mắc căn bệnh này nữa. Còn công nhân thì không phải nghỉ việc, được đi làm đều đặn, có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân, gia đình”, chị Quyên bày tỏ.
Còn chị Kim Thị Ngọc Bé, Giáo viên Nhóm trẻ mầm non Bút Chì Mầu, quận Bình Tân, TPHCM, cho biết gần như cả năm 2021 chị phải nghỉ việc để phòng, chống dịch, chủ nhóm mầm non cũng không có khả năng hỗ trợ gì thêm. Chồng chị cũng là CN với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhiều tháng, chồng chị cũng phải ngừng việc, hưởng lương tối thiểu vùng, trong khi hai vợ chồng vẫn phải thuê nhà, nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Để trang trải cuộc sống, có lúc chị Bé đã phải bán hàng online, có khi giữ giùm con của công nhân để có thêm thu nhập, nhưng cũng không được bao nhiêu tiền. Chị Bé cũng được nhận 3,71 triệu đồng tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ do phải tạm hoãn HĐLĐ và túi an sinh của công đoàn.
“Tôi mong ước dịch bệnh sẽ được khống chế để chúng tôi được đi làm trở lại có thu nhập, chứ sống nhờ chồng mãi cũng rất áy náy. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người lao động thêm, ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước trong lúc khó khăn”, chị Bé nói.
Mong lên lương và cuộc sống bớt khó khăn
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, CN Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM), cũng cho biết năm 2021 là một năm nhiều vất vả, khó khăn với gia đình chị, khi nhiều tháng phải ngừng việc hưởng lương tối thiểu vùng. Thậm chí, có lúc công ty khó khăn quá còn tạm hoãn HĐLĐ, không trả lương để CN hưởng hỗ trợ từ Nhà nước. Chồng chị Hương làm thợ hồ cũng không có việc làm nhiều tháng, không có thu nhập. Trong khi đó, vợ chồng chị phải nuôi hai con nhỏ còn ăn học, phải thuê phòng trọ nên cuộc sống vô cùng khó khăn, có lúc phải vay mượn để sinh sống.
Chị Hương mong muốn: “Tôi muốn năm 2022 sẽ được lên lương vì hai năm rồi nhà nước chưa tăng lương tối thiểu vùng, trong khi các chi phí từ mớ rau, con cá đều lên giá, thậm chí tiền thuê đổ rác một tháng cũng tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng, khiến cuộc sống ngày càng khó khăn hơn”.
Còn anh Hà Ngọc Thái Huy, nhân viên trực ban chạy tàu ga Sài Gòn tâm sự: Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn với ngành đường sắt, khi nhiều tháng liên tiếp các đoàn tàu chở khách không được đến TPHCM do thành phố phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Nhân viên đường sắt nhiều người phải ngừng việc, hưởng lương cơ bản, ảnh hưởng lớn việc làm, thu nhập.
“Mong ước lớn nhất của tôi là dịch bệnh được khống chế, người dân đi lại giữa các vùng miền sẽ tăng lên, như thế chúng tôi có thêm việc làm, thu nhập cho bản thân và gia đình”, anh Huy nói.