Về thông tin có một cá nhân ở TPHCM nhận lương hưu trên 100 triệu đồng/tháng và một cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng, tại sao lại có sự chênh lệch như vậy?
- Sự chênh lệch này do các nguyên nhân:
+ Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của lao động này rất cao, có những năm đóng theo mức lương gần 250 triệu đồng (làm việc ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài)
+ Khi giải quyết hưu vào năm 2015, theo quy định của Luật BHXH, người lao động đóng BHXH theo tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng bằng tiền đồng) được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Ví dụ: Lao động nam trên khi đóng BHXH trên mức tiền lương 250 triệu đồng thì khi giải quyết được nhân thêm hệ số (là chỉ số giá) là 300 triệu đồng.
+ Do lương hưu cao nên mặc dù chỉ được điều chỉnh lương 2 lần (8% và 7,44%) thì lương hưu cũng rất cao.
Về thông tin cô giáo có lương hưu thấp (1.300.000 đồng) theo ý kiến của BHXH Việt Nam, trường hợp này việc tính toán lương hưu cho cô giáo trên là đúng quy định của pháp luật. Do không có hồ sơ cụ thể nên không trả lời chính xác lý do, tuy nhiên có thể nguyên nhân chủ yếu là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của cô giáo này thấp.
Luật BHXH có quy định về mức trần đóng BHXH, tại sao cá nhân trên được hưởng lương hưu cao trên 100 triệu đồng?
Việc quy định mức trần đóng BHXH chỉ áp dụng từ năm 2007. Như vậy, những năm trước 2007 đóng BHXH theo tiền lương ghi trên hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nêu trên có thời gian tham gia BHXH từ năm 1992 đến tháng 12.2006 đóng BHXH theo tiền lương ghi trên hợp đồng lao động; từ năm 2007 cho đến khi nghỉ hưu đóng BHXH với lương cao nhất theo quy định (không quá 20 lần lương cơ sở).
Nếu Luật BHXH cho phép đóng theo mức lương ghi trên hợp đồng lao động thì lương hưu của lao động này còn cao hơn nữa.