Công nhân khó khăn trăm bề, hết tiền tích luỹ
Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn trong tỉnh Đồng Nai, tính đến hết tháng 11.2022 đã có gần 60.000 lao động tại 180 công ty bị ảnh hưởng vì gặp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp sản xuất; trong số đó phần lớn NLĐ bị giảm giờ làm, gần 900 NLĐ bị mất việc, NLĐ ở các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu, may, giày da chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thực tế ghi nhận tại các doanh nghiệp, NLĐ bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống.
Chị Bùi Thị Thuỷ (41 tuổi, quê tỉnh Thanh Hoá), là công nhân Công ty TNHH May mặc Minh Giang, đóng tại phường Tam Hiệp, TP.Biên Hoà. Chị Thuỷ một mình nuôi con nhỏ đang học lớp 5, hai mẹ con thuê trọ hết 1,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, để lo cho con học ngoại ngữ, một tháng chị tiêu tốn thêm 2,5 triệu đồng, đó là chưa kể các khoản chi phí khác như ăn uống, đi lại…
Gần 1 tháng nay, chủ doanh nghiệp nơi chị làm việc bỗng dưng biến mất, kèm theo khoản tiền lương gần 2 tháng của chị và đồng nghiệp chưa được thanh toán. Theo chị Thuỷ, thời gian qua doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng nên chị và nhiều công nhân khác đã chia sẻ, cho công ty nợ lương, nhưng không ngờ chủ doanh nghiệp lại “mất tăm mất tích” như vậy.
Sau khi doanh nghiệp vắng chủ, chị Thuỷ đi tìm công việc mới. Sức ép càng lớn khi tiền phòng trọ, tiền học cho con, tiền ăn… là những khoản tiền đã đến kỳ thanh toán mà chị phải đóng.
“Giờ 1 triệu đồng tôi cũng không còn. Nếu không mượn được tiền từ người thân bạn bè thì tôi phải đi vay nóng bên ngoài” - chị Thuỷ lo lắng.
Tín dụng đen xâm nhập công nhân
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty CP TKG Taekwang Vina cho hay: “Lâu nay, việc tích luỹ của NLĐ dựa vào tăng ca là chính. Nay không có, chỉ cần con cái bị ốm, NLĐ phải đi vay mượn để lo cuộc sống”.
Thực tế, nhiều NLĐ đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen, như anh N.V.H, công nhân làm việc một Cty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) cho biết, đầu năm 2022, sau đợt dịch COVID-19 thì gia đình anh hết tiền tích luỹ, lương thưởng bị cắt giảm nên anh đã vay nóng tín dụng đen 30 triệu đồng. Trong 2 tháng đầu, anh H trả lãi đúng hạn, đến tháng thứ 3 mới chậm trả lãi 2 ngày thì bị các đối tượng gọi điện đe dọa, khủng bố cả người nhà và đến tận Cty đòi nợ.
Trước thực trạng này, trong buổi làm việc gần đây, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các cơ quan liên quan xử lý nghiêm minh, dứt điểm tình trạng tín dụng đen, trong đó hệ thống ngân hàng và công an cần có kế hoạch phối hợp giải pháp triệt phá tình trạng này.
Đối với công đoàn, Bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết, thời gian qua, tín dụng đen diễn biến phức tạp, nhiều người dân, nhất là CNLĐ chưa lường hết tác hại vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi tín dụng đen. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ hơn phương thức, thủ đoạn tín dụng đen để cảnh giác không làm ảnh hưởng tới việc làm đời sống của đoàn viên, người lao động.
Do đó, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” với 2 đơn vị tài chính nhằm giúp đoàn viên, người lao động được vay vốn với lãi suất thấp (chỉ bằng 50% so với lãi suất trên thị trường), từ đó giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết, xoá bỏ tình trạng tín dụng đen đang diễn ra rất phức tạp tại các khu công nghiệp hiện nay.
Mới đây, Công an huyện Trảng Bom đã tổ chức tuyên truyền cho 250 công nhân tại Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Hố Nai - Sông Mây) về biện pháp phòng ngừa đối với một số loại tội phạm cụ thể như: Tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, tín dụng đen cho vay nặng lãi, tội phạm trộm cướp... Ngoài ra, Công an huyện Trảng Bom tập trung tuyên truyền cho NLĐ trong 4 khu công nghiệp lớn trên địa bàn tập trung đông NLĐ...