Chờ đợi để khai báo y tế
Chị B (công nhân khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, Hà Nội) cho biết, ngày 21.2, sau khi bị nhiễm COVID-19, chị ra trạm y tế xã Kim Chung khai báo.
“Hôm khai báo, chỉ là đông người, phải chờ đợi lâu đến lượt, chứ không phải khó. Hôm đó, 14 giờ Trạm y tế mới bắt đầu làm việc, tôi ra lúc 13 giờ 30 thì phải đợi đến gần 1 tiếng mới khai báo xong” - chị B cho hay.
Theo chị B, bên trạm y tế yêu cầu phải chụp ảnh test 2 vạch, chứng minh nhân và sổ bảo hiểm xã hội để họ cập nhật hồ sơ. “Hiện tại tôi chưa khỏi bệnh nên chưa nhận được giấy gì”- chị B nói.
Trước đó, khi con gái chị bị dương tính với COVID-19 vào ngày 18.2, chồng chị ra khai báo để vợ chồng chị cách ly tại nhà thì còn phải chờ đợi lâu hơn do đông người đến khai báo hơn. Theo chị B, chồng chị đi từ chiều hôm trước, nhưng không khai được vì đông quá mà phải về nhà, sáng hôm sau trở lại mới làm xong thủ tục này.
Ngày 24.2, phản ánh tới phóng viên Báo Lao Động, anh D (công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung) cho biết, vợ chồng anh đều là F0, khi khai báo tại trạm y tế xã Kim Chung thì rất vất vả, mất nhiều thời gian.
“Tôi đi từ 7 giờ sáng mà đến 11 giờ trưa mới khai báo được. Có nhiều người còn không khai báo được, phải tồn đến sáng hôm sau mới khai báo xong. Vì số lượng F0 rất nhiều, cũng phản ánh, góp ý với bên y tế, nhưng không biết đã thay đổi chưa” - anh D nói với phóng viên Báo Lao Động.
Trạm y tế đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ
Đem vấn đề công nhân gặp khó khăn khi khai báo y tế trao đổi với Trưởng trạm Y tế xã Kim Chung Phan Văn Chuyên, ông Chuyên cho biết, thời điểm cách đây 1 tuần, có việc trạm y tế phát số thứ tự để người đến khai báo; khi đó có trình trạng bị dồn, vì lúc đó số lượng F0 gia tăng.
Tuy nhiên, ông Chuyên cho hay, từ ngày 24.2, việc khai báo y tế đã được chuyển về thôn. Theo đó, người lao động cứ ra thôn, đã có form khai báo, sẽ quét được ảnh test 2 vạch, kèm theo chứng minh thư thì trạm y tế sẽ xem xét để cập nhật hồ sơ. Theo ông Chuyên, hiện việc tiếp nhận không phải chậm, nhưng để hoàn thiện thủ tục thì không đủ sức để làm nữa.
“Bây giờ việc cập nhật là quá tải. Đến nay chúng tôi vẫn đang cập nhật dữ liệu của ngày 22.2. Mỗi ngày 600 F0 mà nhân viên y tế chỉ có 8 người; các lực lượng lên hỗ trợ cũng rất nhiều việc nên chậm ở khâu ra thủ tục. Cái đó là thực trạng phải chấp nhận thôi” - ông Chuyên cho hay.
Ông Chuyên đề xuất các doanh nghiệp nên cho người về hỗ trợ, người lao động bị nhiễm COVID-19 của công ty nào thì công ty đó về, phối hợp, làm phần của doanh nghiệp mình. Còn hiện nay, theo ông Chuyên, nhân viên trạm y tế xã, kể cả lực lượng hỗ trợ không còn sức.
Ông Chuyên nói thêm, giấy chứng nhận điều trị tại nhà lúc nào người lao động khỏi bệnh thì trạm y tế mới bắt đầu làm.
“Nhưng cũng rơi vào tình trạng là không có người, không có máy” - ông Chuyên nói. Theo ông Chuyên, trạm y tế cho F0 đăng ký, rồi trả dần hồ sơ.
“Bọn mình ngồi ký (giấy xác nhận hết thời gian điều trị COVID-19; giấy hưởng bảo hiểm - PV) đã chết rồi. Ngày ký 500-600 giấy, mỗi giấy ít nhất có 5 chữ ký” - ông Chuyên than.