Bố mẹ thiếu việc làm
Công nhân ở Đồng Nai đang đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm. Hơn 1 tháng nay, rất nhiều công nhân ngành giày da và ngành gỗ đang phải “than khóc” do công ty thiếu đơn hàng, dẫn tới việc bị giảm thu nhập theo vì không được tăng ca, thậm chí công nhân phải nghỉ phép năm liên tục hằng tuần để giảm áp lực trả lương cho doanh nghiệp.
Chị Lê Thị Nguyệt, công nhân tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà), hơn 1 tháng nay đã không được tăng ca do thiếu đơn hàng, nay công ty lại tiếp tục cho chị nghỉ phép năm vào các ngày cuối tuần trong tháng. Chị Nguyệt lo lắng: “Hằng năm nhờ có tiền tăng ca nên hai vợ chồng đều lo đầy đủ cho con được tươm tất khi bước vào năm học mới, nhưng nay công ty đang khó khăn, thu nhập gia đình giảm theo, vợ chồng tôi vẫn chưa biết xoay xở ra sao để có tiền chuẩn bị năm học mới cho con”.
Chị Phạm Thị Hồng, công nhân Công ty TNHH Dona Pacific (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cũng cho biết, bắt đầu từ tháng 9.2022, Công ty cũng cho NLĐ nghỉ phép năm vào ngày thứ 7 của tháng do tình hình giảm đơn hàng. Nhà chị Hồng có 2 người con, một cháu năm nay lớp 9 và một cháu học lớp 4 nhưng đã gần năm học mới chị vẫn chưa lo được quần áo, sách vở cho con chuẩn bị đến trường. Chị Hồng lo lắng: “Vừa tới kỳ nhận lương vợ chồng tôi đã rút hơn 10 triệu đồng để lo trang trải các chi phí sinh hoạt, phục vụ mua sắm trong gia đình nhưng đã hết veo, bây giờ vẫn chưa có tiền để chuẩn bị năm học mới cho 2 đứa con”.
Theo chia sẻ của các cán bộ công đoàn, đây là tình hình chung, các doanh nghiệp đều giảm tới 30% đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ chờ việc và chỉ hưởng lương ngừng việc.
“Đau đầu” với những khoản chi cho năm học mới của con
Chưa hết khó khăn, sắp tới vào tháng 9.2022, công nhân lại thêm nỗi lo khi đến mùa khai giảng năm học mới, phải chuẩn bị cho con đến trường. Ngoài việc tìm trường cho con, công nhân còn phải lo làm hồ sơ nhập học, tính toán các khoản chi phí đóng học đầu năm mới, kế hoạch đưa đón con đi khai giảng, đi học hằng ngày…
Ngoài ra, nhiều công nhân lo lắng hiện nay là việc đưa, đón con đi khai giảng năm học mới cũng như đưa đón con tới trường. Chị Lê Thị Nguyệt trăn trở: “Công ty đã yêu cầu nghỉ hết phép năm của năm 2022 nên sắp tới con cái đi khai giảng năm học mới cũng không biết sắp xếp thế nào để đưa con tới trường”.
Còn anh Nguyễn Anh Huy, làm việc tại Công ty C.T Sài Gòn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai - dù không phải công nhân ngành giày da may mặc nhưng thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng, vợ anh bán hàng rong ở nhà phụ giúp anh nuôi 3 người con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, mỗi tháng tổng thu nhập của gia đình anh chỉ khoảng 12 triệu đồng.
Anh Huy chia sẻ, cứ tới năm học mới là vợ chồng anh lại “đau đầu”. Dù nhà trường chưa họp phụ huynh thông báo các khoản thu chính thức nhưng tính sơ sơ lo cho 2 con đi học đã tốn khoảng chục triệu đồng.
Cụ thể, chưa tính các khoản tiền đóng học đầu năm, chỉ sắm sửa mua đồ học tập cho con cái đã hết gần 5 triệu đồng: Mua 2 cái cặp 720.000 đồng, mua 2 bộ sách mới 620.000 đồng, mua 40 quyển vở ô-ly 400.000 đồng, mua 2 bộ bút 500.000 đồng. Ngoài ra, mua 2 bộ quần áo đi học và tập thể dục cho 2 đứa con thêm 2 triệu đồng... Đó là chưa kể vợ chồng anh còn phải lo cho người con thứ 3 mới 9 tháng tuổi.
Theo anh Huy, nhà 5 người nhưng chỉ có 1 chiếc xe máy để anh Huy đi làm tại công ty, nhưng để tiết kiệm tiền xăng xe nên gia đình anh cũng không mua thêm xe máy mới. Hai con của anh cũng phải đi xe đạp tới trường đi học thay vì đăng ký đi xe đưa rước.
“Mỗi tháng tiền xe đưa rước cho 2 đứa con đi học hết cả triệu đồng nên vợ chồng tôi cũng bàn bạc cho 2 cháu đi xe đạp đi học vì trường gần nhà, đường đi học cũng khá an toàn” - anh Huy chia sẻ.
Trước những khó khăn của NLĐ, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh Đồng Nai cũng tìm nhiều giải pháp để đảm bảo mức thu nhập ổn định cho NLĐ, đủ để trang trải cuộc sống. Đồng thời, tổ chức các chương trình biểu dương, khen thưởng con công nhân học giỏi sống tốt trải rộng trên toàn tỉnh để động viên các em và gia đình.