Theo đó, từ 12h trưa ngày 19.7 và từ 12 giờ trưa nay, 21.7, người ra, vào, về tỉnh Thái Bình và Nam Định phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định.
Tại tỉnh Thái Bình, từ 6h sáng 21.7, người lao động tự do, người lao động là công dân của tỉnh Thái Bình thường xuyên đi làm việc trong các doanh nghiệp của các tỉnh lân cận, hoặc người lao động của các tỉnh lân cận vào làm việc tại tỉnh Thái Bình sẽ được qua các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của tỉnh khi có đầy đủ các điều kiện như:
Nơi lưu trú/cư trú hiện nay không thuộc vùng phong tỏa, vùng kiểm soát dịch COVID-19; người lao động không thuộc diện các đối tượng nguy cơ với COVID-19, có Giấy xác nhận/Thẻ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nơi làm việc về nơi cư trú/lưu trú và nơi làm việc hiện tại; có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên (trong thời gian 7 ngày/lần)...
Theo ghi nhận của PV Lao Động trong ngày 21.7, do mới thực hiện quy định, lượng công nhân, lao động quê Thái Bình làm việc tại tỉnh Nam Định không khỏi bất ngờ, bỡ ngỡ dẫn đến đi làm muộn. Mặt khác, tình trạng ùn tắc kéo dài ở khu vực chốt kiểm soát dịch cầu Tân Đệ (nối Thái Bình với Nam Định) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quãng đường đi làm và tan ca về nhà của công nhân.
Ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP May Sông Hồng (xưởng chăn, bông, đệm) - cho biết: "Những ngày đầu thực hiện quy định sẽ xảy ra những xáo trộn, trễ muộn nhất định, nhưng công ty cũng linh hoạt, thông cảm cho công nhân chứ không thể làm khó công nhân được".
Được biết, Chi nhánh Công ty CP May Sông Hồng (xưởng chăn, bông, đệm) nằm ở KCN Mỹ Trung trên Quốc lộ 10 (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có khoảng 168 công nhân, lao động quê Thái Bình hàng ngày sang làm việc. Theo quy định mới của tỉnh Thái Bình, doanh nghiệp đã hỗ trợ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên cho công nhân của mình, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, rà soát cấp thẻ/giấy chứng nhận để công nhân tiện đi lại.
Chị N.T.H (36 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình, là công nhân Chi nhánh Công ty CP May Sông Hồng (xưởng chăn, bông, đệm), chia sẻ: "Lúc đầu thực sự chúng tôi khá lo lắng, hoang mang vì chưa nắm rõ, có đầy đủ thông tin nhưng sau đó được công ty quan tâm, hỗ trợ tối đa các điều kiện để đi làm nên vững tâm hơn. Nói chung là bây giờ phải cố gắng sắp xếp công việc gia đình để đi làm sớm hơn, về làm cũng sẽ muộn hơn. Vì phòng, chống dịch nên tất cả mọi người phải cố gắng".Khuyến cáo người dân chủ động xét nghiệm sớm, không đợi đến chốt mới làm test nhanh
Chiều 21.7, trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Quang Hòa - Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình, cho biết: "Hiện tại, ở một số chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch chính tại cửa ngõ ra vào tỉnh đã có sẵn nguồn lực, phương tiện hỗ trợ test nhanh kháng nguyên. Chúng tôi khuyến cáo nhân dân, nếu bắt buộc phải đi lại thì phải chủ động làm xét nghiệm từ trước, tại các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện phương pháp xét nghiệm này. Tránh tâm lý chủ quan đến chốt mới làm xét nghiệm, vì sẽ gây trễ muộn ùn tắc cho chính bản thân và cả người, phương tiện khác.