Cách dùng các thiết lập bảo mật chưa rõ ràng
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong tuần qua chia sẻ với báo giới rằng, Facebook đang tắt tính năng cho phép người dùng Facebook tìm người dùng khác bằng số điện thoại hoặc địa chỉ email. Dù, tính năng này rất hữu ích cho những người muốn tìm kiếm người khác trên Facebook, nhưng điều này cho thấy từ nhiều năm trước, Facebook đã có thể sử dụng những thông tin này để xác định và thu thập dữ liệu hồ sơ người dùng.
AP nhận định, việc xâm phạm dữ liệu cá nhân người dùng Facebook đã diễn ra từ lâu, theo như Mark Zuckerberg thừa nhận, “vào thời điểm nào đó trong vài năm qua, người khác có thể tiếp cận thông tin công khai của bạn theo cách này”. Trong suốt thời gian đó, cách duy nhất để an toàn là người dùng chủ động tắt tính năng tìm kiếm trên, bởi Facebook để chế độ này là mặc định.
Bà Jamie Winterton - Giám đốc chiến lược Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Đại học Arizona - cho biết: “Tôi nghĩ rằng, cách sử dụng các thiết lập bảo mật của Facebook như thế nào chưa rõ ràng. Với tôi, đó là thất bại”.
Sự vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân là thú nhận gây choáng váng với công chúng sau khi xuất hiện các cáo buộc công ty Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu khoảng 87 triệu người dùng Facebook.
Những tuần qua, các cuộc điều tra về vụ bê bối này diễn ra khắp thế giới, trong đó có cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Bản thân CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 10 và 11.4.
“Chúng ta không cần trao thông tin nếu không thấy thoải mái”
Cả Mark Zuckerberg lẫn Facebook đều không xác định những kẻ xâm phạm dữ liệu người dùng. Các chuyên gia bên ngoài cho rằng, những phần tử này có khả năng là những kẻ đánh cắp danh tính, kẻ lừa đảo hoặc các nhà môi giới dữ liệu mờ ám đang lắp ghép hồ sơ tiếp thị.
Trong cuộc họp báo hôm 4.4, Mark Zuckerberg cho biết, Facebook đã nỗ lực “hạn chế tỉ lệ” tìm kiếm. Cụ thể là hạn chế số lượng lượt tìm kiếm thực hiện cùng lúc từ 1 địa chỉ IP, chỉ rõ số lượt được định vị 1 thiết bị trên internet. Tuy nhiên, với thủ đoạn thông qua nhiều địa chỉ IP, những kẻ xâm nhập dữ liệu cá nhân đã phá vỡ sự phòng vệ này.
Thông tin bị xâm nhập giới hạn ở những gì người dùng chọn công khai, điều này tùy thuộc vào cài đặt bảo mật của mỗi người, có thể là rất nhiều thông tin, như những gì Facebook yêu cầu người dùng chia sẻ. Những thông tin này bao gồm tên đầy đủ, hình ảnh, tiểu sử và danh sách các trường học hoặc mạng lưới nơi làm việc.
Tuy nhiên, các hacker và những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin đó, và kết hợp nó với các dữ liệu khác trong quá trình hoạt động, để lừa đảo người dùng, phát tán phần mềm độc hại trên máy tính của họ hoặc các hành vi trái phép khác.
Việc có được lượng dữ liệu khổng lồ như vậy cũng có thể đặt ra những nguy cơ đối với an ninh quốc gia, chuyên gia Jamie Winterton nhận định. Một tổ chức nước ngoài có thể sử dụng những thông tin đó để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử hoặc kích động sự bất mãn.
Những người ủng hộ quyền riêng tư lâu nay đã chỉ trích thiên hướng thúc đẩy người dùng chia sẻ nhiều thông tin của Facebook. Dù Facebook cung cấp kiểm soát bảo mật một cách chi tiết - ví dụ, người dùng có thể tắt quảng cáo mục tiêu, tắt nhận dạng khuôn mặt và đăng các bản cập nhật không cho người khác nhìn thấy - nhưng nhiều người không bao giờ thay đổi cài đặt trong tài khoản của họ và thậm chí không biết phải làm thế nào.
Bà Jamie Winterton cho biết, đối với người sử dụng Facebook cá nhân, đây là thời điểm tốt để “suy nghĩ về những gì chúng ta đang chia sẻ, chia sẻ như thế nào và liệu chúng ta có cần làm gì”. “Khi ai đó hỏi chúng ta thông tin, chúng ta không cần phải trao cho họ nếu không thấy thoải mái” - Giám đốc chiến lược Sáng kiến An ninh Toàn cầu nói.
Gần nửa triệu người dùng Facebook Việt Nam bị rò rỉ dữ liệu
Theo thống kê của Facebook, Philippines, Indonesia và Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ người dùng bị ảnh hưởng trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu liên quan tới Cambridge Analytica, với tổng số gần 2,7 triệu người bị ảnh hưởng.
Cụ thể, với 427.466 người dùng Facebook bị ảnh hưởng, Việt Nam là nước đứng thứ 9 trên thế giới. Trong khi đó, Philippines có khoảng 1,75 triệu người dùng bị ảnh hưởng, chỉ sau Mỹ (khoảng 70,6 triệu người dùng). Đứng thứ 3 là số người dùng Facebook ở Indonesia, khoảng 1,1 triệu người. Các quốc gia có số người dùng Facebook bị ảnh hưởng trong top 10 khác là Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Australia.