Ngày 10.2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết từ tối cùng ngày, kết nối Internet đi quốc tế không còn bị nghẽn, nhờ các giải pháp ứng cứu lẫn nhau và tiếp tục mở dung lượng qua các đường cáp đất liền.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế.
Ngày 14.2, trao đổi với Lao Động, nhiều người dùng cho biết, tốc độ Internet đến nay đã có cải thiện. Tuy nhiên, chưa có nhiều khác biệt khi cuối tuần qua, thời điểm các doanh nghiệp viễn thông cho biết kết nối Internet sẽ được khôi phục.
Anh Nguyễn Văn Tài (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tốc độ kết nối Internet đến nay đã được cải thiện hơn trong ba, bốn ngày gần đây. Tuy nhiên, việc kết nối hiện vẫn còn chập chờn.
"Tôi đã có thể sử dụng các dịch vụ truyền hình và giải trí qua mạng Internet với tốc độ mạng ổn hơn. Cách đây mấy ngày, "hình liên tục bị đứng", việc truy cập mạng cũng rất chậm chạp", anh Tài nói.
Tương tự, chị Nguyễn Bích Ngọc (22 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã dễ dàng hơn trong việc livestream bán hàng trực tuyến.
"Tốc độ Internet đã có cải thiện kể từ khi các nhà mạng cam kết không để xảy ra tình trạng "nghẽn" kết nối đi quốc tế. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm mạng chập chờn, lúc được lúc không vẫn còn xảy ra", chị Ngọc nói.
Còn theo anh Vũ Quang Tuấn (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), tình trạng chậm như "rùa bò" vẫn đang tiếp diễn, vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể khi chơi game vẫn thường xuyên bị lag, thậm chí có thời điểm còn không truy cập được Facebook.
"Nhiều thời điểm, tôi vẫn phải bật kết nối di động 4G thay cho sóng WiFi nhằm đảm bảo kết nối", anh Tuấn nói.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TTTT, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 còn một phần đang hoạt động. Tuyến SMW3 hoạt động bình thường.
“Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là những nhu cầu truy cập đặc biệt cần băng thông lớn đi nước ngoài”, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết.
Cũng theo ông Thắng, tổng dung lượng trên các tuyến cáp trước đây là 18,7 Tbps, trong đó khai thác 60% và dự phòng 40%, sau loạt sự cố dung lượng này bị mất 75%.
Đến nay, sau nhiều lần bổ sung, tổng dung lượng ứng cứu qua các tuyến cáp đất liền là 3 Tbps.
“Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở các tuyến đất liền, vì cáp biển mất hàng tháng để sửa chữa, chấp nhận việc các tuyến đất liền sẽ có chi phí cao do mua ứng cứu và dùng trong thời gian ngắn”, ông Thắng cho biết.