Bức xúc vì giếng cổ bị phá
Theo đó, nhiều ngày nay, người dân ở thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tỏ ra rất bức xúc khi đơn vị thi công cho máy xúc, phá bỏ cái giếng cổ của làng để sửa sang thành giếng mới. Trong khi đó, việc làm này không được đưa ra họp dân, xin ý kiến.
Bà Trần Thị Tương (95 tuổi, trú tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) cho biết, từ khi bé, bà đã thấy có cái giếng này. Ngày còn trẻ, bà thường mang những cái te, cái vó ra kéo tép. Giếng chưa bao giờ biết hết nước dù trong vùng có hạn hán, khô cằn đến đâu.
“Trước đây, tôi thường mang te (một loại dụng cụ như vó kéo cá) để kéo tép trong giếng, nước giếng lúc nào cũng trong xanh nên tép rất nhiều và ngon. Đến giờ họ phá đi để làm giếng mới, giếng mới có đẹp như thế nào chúng tôi cũng không thích. Vì trước đây mỗi lúc ra giếng cũ, nhìn những hòn đá xanh rêu phủ, là các ký ức xưa cũ lại ùa về” - bà Tương chia sẻ.
Ông Trần Văn Oanh (52 tuổi, trú tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) cũng cho hay, hầu hết dân trong làng khi biết sự việc ai cũng bức xúc, bởi trước khi triển khai việc cải tạo, sửa sang lại giếng, chính quyền địa phương đã không họp và hỏi ý kiến người dân.
“Họ về triển khai, chúng tôi mới biết, mới ra xem. Lúc này ai cũng cảm thấy tiếc nuối trước giếng cổ (hay còn gọi là giếng ngọc, đã tồn tại hàng trăm năm nay) của làng bị đào múc và san lấp. Trước đây, giếng có chiều rộng hơn 10m, nay họ làm nhỏ lại còn khoảng một nửa. Một cái giếng cổ đã gắn bó bao đời nay với người dân thôn 3, nay bị phá, có muốn làm lại cũng không được nữa rồi” - ông Oanh chia sẻ.
Huyện đã cho dừng thi công
Được biết, cải tạo giếng cổ là một trong những hạng mục thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (ở thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), di tích này được công nhân di tích cấp quốc gia năm 1990.
Theo đại diện huyện Thiệu Hóa (đơn vị chủ đầu tư), việc cải tạo lại giếng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cũng được Cục Di sản (Bộ Văn hóa) chấp thuận. Giếng cũ có đường kính rộng hơn 10m, nay thiết kế lại đường kính giếng rộng hơn 6m. Việc làm nhỏ giếng lại là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, cũng như có diện tích để xây dựng nhà bia.
Theo ghi nhận trong chiều 17.3, đơn vị thi công vẫn đang cho máy xúc san ủi khu vực lòng giếng, nhiều công nhân đang chở đá vào kè ở khu vực đáy giếng. Cùng với đó, đơn vị thi công cho quây bạt kín xung quanh khu vực giếng đang thi công.
“Hiện tại, nếu không được sự đồng ý của chính quyền địa phương (xã Thiệu Trung -PV) chúng tôi không thể cho người lạ vào, nhất là quay phim chụp ảnh ở gần khu vực giếng” - người phụ trách thị công tại đây cho hay.
Ngày 18.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa - cho hay, hiện tại, huyện đã cho dừng thi công tại vị trí khu vực cái giếng, còn các hạng mục khác vẫn đang được thi công bình thường.
“Tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, và sở cũng đã cử đoàn cán bộ về xã Thiệu Trung để làm việc, họp cùng với người dân về việc sửa sang lại giếng. Hiện, chúng tôi đã cho tạm dừng thi công khu vực giếng, còn thời gian tạm dừng bao lâu thì chưa cụ thể được” - ông Tùng thông tin.