35 năm nhìn lại làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Với dấu mốc Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, trải qua 35 năm, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Luỹ kế 35 năm, Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỉ USD vốn FDI.
Trong báo cáo mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra con số tăng trưởng đáng mừng của vốn FDI hằng năm tăng từ 1,3 tỉ USD của năm 1991 lên 29 tỉ USD của năm 2022. Dù năm 2020-2022, FDI thể hiện sự suy giảm do tác động của COVID-19 nhưng vốn thực hiện được giải ngân tốt hơn.
Về đối tác đầu tư, cho đến nay Hàn Quốc vẫn đứng đầu về cả số lượng dự án và tổng vốn đăng ký là 81,28 tỉ USD (tính đến hết năm 2022). Nối sau lần lượt là Nhật Bản và Singapore. Ngoài ra, Việt Nam cũng thu hút nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia châu Á, châu Âu...
Dù tính đến hết năm 2022, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân, nhưng lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn là nơi tập trung nhiều nhất. Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - phân tích: "Các doanh nghiệp FDI tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng; tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động rẻ, trẻ của Việt Nam. Mười năm trở lại đây, dòng vốn FDI được huy động rất đáng kể, đóng góp rất lớn vào xuất khẩu nhưng chúng ta cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện thoại, thiết bị máy móc, điện tử, viễn thông... Doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong việc tham gia cung ứng cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn lớn".
Đòn bẩy nào cho doanh nghiệp Việt tham gia cung ứng cho doanh nghiệp FDI?
TS Việt nêu rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt không thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, xuất phát từ các yếu tố như năng lực cạnh tranh vĩ mô cho đến năng lực vi mô của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt các chính sách chưa hiệu quả và đồng bộ.
"Xét trong khu vực ASEAN, các năng lực liên quan đến chỉ số đổi mới sáng tạo, đầu tư về năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp nội địa, tư nhân còn thấp. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn ở mức trung bình thấp.
Chúng ta cứ nói rằng, Việt Nam “thừa thầy, thiếu thợ”, nhưng qua đánh giá chất lượng đào tạo nghề, đào tạo của nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam còn kém xa so với nhiều quốc gia khác. Chưa kể, doanh nghiệp Việt hiện nay còn yếu kém cả về năng lực quản lý" - ông Việt nhấn mạnh.
Kể về câu chuyện những doanh nghiệp Việt không được chọn để hợp tác, thậm chí không được tái ký hợp đồng sau lần hợp tác, TS Nguyễn Quốc Việt chỉ ra nguyên nhân bởi chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp Việt đang cung ứng không đạt, quy trình quản lý đảm bảo chất lượng không đồng đều. Chưa kể, doanh nghiệp Việt đang phải tự thân đáp ứng các tiêu chuẩn mới về sản xuất như tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, chuyển dịch năng lượng công bằng, tiêu chuẩn xanh...
"Tôi cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là những chính sách giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Cần phải đánh giá lại tổng thể mô hình, chính sách hỗ trợ, phải hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và cho khu vực doanh nghiệp nội địa nói riêng.
Thêm nữa, cần duy trì mỗi liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế với các cơ quan tham vấn chính sách, cơ quan hoạch định chính sách tại Việt Nam để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa khu vực doanh nghiệp nội địa, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các chính sách tại Việt Nam" - TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng, DN phải có suy nghĩ vượt qua giới hạn. "Chúng ta phải hướng đến việc không chỉ liên kết DN có vốn đầu tư nước ngoài mà phải nhìn ra bức tranh rộng hơn, DN phải hướng tới mối liên hệ xa hơn là toàn cầu" - TS Cung cho biết.