Cách tính giá điện bất hợp lý
Dù đã có thông báo chính thức về việc giá điện tăng 8,36% từ ngày 20.3 nhưng việc hoá đơn tiền điện tháng này của nhiều hộ gia đình tăng chóng mặt vẫn khiến cho người dân không khỏi sửng sốt.
Độc giá Nguyễn Bình cho rằng, giá điện tăng 8,36% là số liệu mà ngành điện đưa ra. Thực tế, các hộ gia đình dùng điện đều nhận ra, hoá đơn tiền điện của họ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
"Ngành điện nhằm đúng tháng nóng tăng giá điện, để khi dân thắc mắc thì lại kêu nắng nóng dân dùng nhiều nên hóa đơn cao", bạn đọc đặt dấu hỏi.
Một bạn đọc ở Đồng Tháp cho biết: "Chỉ xài thêm 1 quạt điện vì trời nóng mà tiền điện nhà tôi tháng này tăng 80%. Cách tính giá điện mới không hợp lý. Bộ Công thương cần sửa sai, điều chỉnh lại giá điện cho phù hợp."
Theo đó, nhiều bạn đọc không đồng tính với quan điểm Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương cần phải có tính toán lại một biểu giá phù hợp hơn. Biểu giá điện 6 bậc như hiện tại đang thể hiện sự bất hợp lý, chưa sát với thực tế sử dụng điện của người dân.
EVN còn độc quyền, dân còn khổ
Hiện nay, ngành điện đang có tính độc quyền cao nhất, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nắm độc quyền từ mua điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ.
Chính sự độc quyền này, nhiều người dân cho rằng, thời gian qua, ngành điện đã mặc sức "làm gì thì làm" và rất thiếu minh bạch với người dân.
Bạn đọc Hoài An nói: "Tại sao không cho kiểm toán độc lập vào kiểm toán toàn diện ngành điện. Bởi lẽ ngành điện được cho là thu chi thiếu minh bạch, định giá bán điện bất hợp lý, không công khai rõ ràng lại còn muốn bảo mật về giá....Người dân hoài nghi thắc mắc nhưng luôn được Bộ Công Thương ưu ái bao che. Tôi cho rằng, đã đến lúc công khai mọi vấn đề nếu còn độc quyền ngành điện thì người dân càng bị thiệt thòi..."
Ngoài ra, nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng, người dân đang phải chịu giá điện tăng để bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh ngoài ngành của điện lực.
"Thật bất công! Còn độc quyền là còn khổ nhân dân. Tôi cho rằng, chúng ta nên noi gương ngành di động và so sánh giá cước điện thoại trước và sau khi tự do thị trường, cả chất lượng và giá cước di động đều được cải thiện rất nhiều, cả doanh nghiệp và nhân dân đều hưởng lợi", bạn đọc Trần Nam nói.
Đồng tính với quan điểm trên, bạn đọc Minh Hùng cho rằng, trước đây gần 20 năm, VNPT tính giá cuộc gọi 2,900/ phút, họ kêu lỗ, không thể giảm giá.
Khi bắt đầu có Viettel, Beeline, Vietnammobile..., hiện tại Mobifone cho gọi ngoài mạng 1.000 phút miễn phí mỗi tháng, 2G dữ liệu free và chỉ phải trả 300.000 /tháng, vẫn lãi. Trong đó, Viettel họ tự xây dựng từ đầu tất cả cơ sở hạ tầng và họ... lãi lớn.
Tất nhiên hoàn cảnh và tích lũy về tiền, điều kiện kĩ thuật, hạ tầng viễn thông... sau gần 20 năm là 1 câu chuyện, nhưng nếu tham chiếu từ góc độ ngành viễn thông, thì trong trường hợp ngành điện làm theo bài học ấy, sau 20 năm ta sẽ thu được kết quả gì và nếu để y nguyên thì sao?