Nâng cao NSLĐ đòi hỏi cả Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cùng nỗ lực cải thiện các vấn đề hiện tại để làm việc tốt hơn, NSLĐ sẽ được nâng lên bằng cách loại bỏ tất cả các rào cản làm cản trở khả năng làm việc tốt hơn của con người. Đối với Việt Nam hiện nay, các rào cản có thể từ thể chế, từ năng lực nội tại của cá nhân, của quản lý và năng lực công nghệ.
Đối với yếu tố thể chế, năm 2017 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được thông qua; các chính sách kêu gọi các bộ, ngành và địa phương xóa bỏ, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã và đang được các nơi thực hiện có hiệu quả bước đầu.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 68, với số điểm 67,93 trên thang điểm 100. Như vậy, so với bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam đã tăng 14 bậc từ thứ hạng thứ 82. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng đều nhiều biện pháp cải cách kinh tế hợp lý trong năm qua, cụ thể là 8/10 chỉ số được lấy để theo dõi mức độ thuận lợi trong kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam đều tăng và tăng mạnh.
Mặc dù đã có nhiều bước cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 4, vì vậy, vẫn cần tiếp tục các cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh.
Về chất lượng nguồn nhân lực, ở Việt Nam, lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, các lĩnh vực tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu hụt.
Nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cao là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Yếu tố con người, phát triển bền vững đã được nhấn mạnh trong quan điểm phát triển trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (QĐ số 432/QĐ-TTg): “Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững...”
Yếu tố cuối cùng là phát triển khoa học và công nghiệp, Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao”, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra chậm. Việc mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo.
Các mô hình lý thuyết chỉ ra rằng, có 2 cơ chế tạo ra sự tiến bộ công nghệ: Một là đổi mới (tự phát triển những công nghệ mới) và hai là tiếp nhận (giới thiệu công nghệ mới ở một nơi khác đến). Tất cả các nền kinh tế đều theo đuổi cả 2 cơ chế này. Đối với Việt Nam, cả 2 vấn đề: nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển và năng lực hấp thụ công nghệ đều được quan tâm, trong đó, trước mắt, chú trọng vào nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ trong các nhà máy và cơ sở sản xuất.
Nếu đầu tư công nghệ chỉ đơn giản là mua công nghệ của nước ngoài thông qua các hoạt động thương mại hoặc FDI thì khả năng hấp thụ, sử dụng hiệu quả công nghệ là rất thấp. Hơn nữa, để vận hành 1 hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại, đòi hỏi phải có 1 hệ thống quản lý tiên tiến đi kèm cùng với 1 đội ngũ nhân sự đủ trình độ. Nếu không có khả năng hấp thu công nghệ, thì việc đầu tư công nghệ mới trở thành gánh nặng hoặc lãng phí.
Bởi vậy, việc nâng cao năng lực hấp thụ phải đảm bảo bao gồm các hoạt động: Đầu tư, phát triển vốn con người: cải thiện giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng; Giáo dục căn bản rất quan trọng đối với năng lực học hỏi và sử dụng thông tin, trong khi đó giáo dục nâng cao cần thiết cho việc đổi mới công nghệ.
Nhà nước có thể thiết lập ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ mục tiêu, bên cạnh đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đào tạo nhân viên những kỹ năng cần thiết cho áp dụng công nghệ. Quan trọng hơn là thiết lập được sự liên kết đào tạo giữa các viện, trường và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần tới các giải pháp nâng cao hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ như nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ lao động và tạo điều kiện về môi trường kinh doanh…