Bà Nguyễn Thị Tám (ấp Thạnh Xuân, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, con cái đi làm xa, chỉ có hai vợ chồng sống cùng nhau, mỗi lần nhớ con cháu, bà Tám đem lục bình ra đan, ngày qua ngày riết thành thuần thục. Nhìn động tác tay của bà Tám nhanh nhẹn, khéo léo không nghĩ bà đã 83 tuổi, khiến người trẻ trong xóm ai cũng trầm trồ thán phục.
“Tôi làm riết thành thói quen, vừa là niềm vui lại có thêm thu nhập để mua thêm chút cá, mớ rau cũng đỡ” - bà Tám phấn khởi nói.
Nhận thấy, nghề đan lục bình không mất nhiều thời, không phụ thuộc địa điểm, chỉ cần sự cần cù khéo léo và cẩn thận, không phân biệt tuổi tác, bà Tiêu Thị Nương (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) cũng đã quyết tâm theo đuổi nghề này.
Bà Nương cho biết, lúc mới mở nghề đan lục bình, chị em trong xóm ai có điều kiện thì đến công ty để học nghề. Do không có phương tiện đi lại, bà Nương không được học. Qua những lần "học lỏm" của những người trong xóm thành công, bà Nương theo nghề đến nay, đã được 20 năm.
“Nghề đan lục bình tuy khó mà dễ, ai có đam mê cũng có thể làm được. Nhờ nghề này tạo việc làm mà tôi có thu nhập ổn định hàng tháng, vừa để thỏa đam mê” - bà Nương thổ lộ.
Bà Phạm Thị Phùng (xã Đông Thạnh) cho hay, trung bình, một người có thể đan khoảng 1 bộ gồm 6 sản phẩm, thu nhập từ 100.000 đến 120.000 đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng vui vì không khí làm việc.
“Năm nay, tôi trên 60 tuổi rồi, gia đình cũng khó khăn, không có đất sản xuất, ở nhà ngoài làm việc nhà thì đan thêm lục bình để kiếm thêm thu nhập, nên có đồng ra đồng vô mừng lắm” - bà Phùng chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Mười - người tiên phong phát triển mô hình đan lục bình ở xã Đông Thạnh - cho hay, nghề đan lục bình phù hợp với điều kiện sống của lao động ở nông thôn, không gò bó về thời gian. Không riêng gì người trẻ mà cả người lớn tuổi cũng có thể làm để kiếm thêm thu nhập. Nghề đan lục bình tương đối đơn giản, nguyên liệu được bà Mười cung cấp đến tận nhà. Thu nhập bình quân mỗi người hàng tháng trên 3 triệu đồng.
“Tôi cảm phục những cụ tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn gắn bó công việc này với tôi suốt 20 năm qua. Mặc dù lâu năm, một số cụ tuổi cao, mắt mờ nên đôi lúc cũng có sản phẩm bị lỗi nhưng tôi vẫn nhận về sửa lại. Nhiều khi thấy các cụ vui mừng khi nhận tiền làm sản phẩm, tôi cảm động muốn rơi nước mắt” - bà Mười bày tỏ.
Theo UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, để giúp nghề đan lát lục bình được nhiều người biết đến phát triển bền vững, huyện đã đăng ký thành công nghề sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan lục bình đạt chuẩn OCOP, đồng thời khuyến khích nhân rộng mô hình đan lát thủ công cây lục bình trên toàn huyện.