Dạy con những bài học về cội nguồn
Trong suy nghĩ của chị Lê Xuân Thuỷ (38 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội), Tết là dịp để cả nhà sum họp, cùng ăn những bữa cơm thân mật, dành những lời chúc, yêu thương cho nhau. Đặc biệt với con trẻ, chị luôn muốn dạy cho con hiểu về ý nghĩa của các phong tục ngày Tết, để con giữ gìn truyền thống của gia đình, quê hương đất nước.
"Năm này cũng vậy, gia đình tôi sẽ về quê đón Tết cùng ông bà, cảm nhận không khí Tết cổ truyền ấm áp bên gia đình" - chị Thuỷ chia sẻ.
Rời quê Bắc Ninh lên Hà Nội sinh sống và lập gia đình, từ nhiều năm nay, cứ Tết đến là cả gia đình chị Ngô Thị Vân (Khâm Thiên, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị đồ đạc, về quê đón Tết.
Chị quan niệm, kỳ nghỉ Tết rất quan trọng trong việc cảm nhận không khí gia đình, quê hương. Các con cần về quê để gắn kết tình cảm trong gia đình, họ hàng.
Người mẹ trẻ dự định, trong những ngày nghỉ lễ, chị sẽ dạy con cách nói lời cảm ơn, gật đầu lễ phép khi nhận lì xì, cách chúc Tết ông bà, cư xử đúng mực ngày Tết, giới thiệu về các món ăn cổ truyền, kể cho con nghe về những phong tục đầu năm mới,...
"Mình kỳ vọng sau kỳ nghỉ lễ, con hiểu và yêu hơn nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, đồng thời, học được thật nhiều những kỹ năng trong giao tiếp, cư xử với mọi người. Những kiến thức này sẽ giúp con rất nhiều trong cuộc sống mai sau" - chị Vân nói.
Dạy con cân bằng giữa việc học và việc chơi
Tến Nguyên đán Quý Mão 2023, học sinh trên cả nước được nghỉ học từ 7 - 14 ngày. Nhiều phụ huynh lo lắng, trong thời gian nghỉ học dài như vậy, con sẽ quên kiến thức và khó bắt nhịp với việc học khi quay trở lại trường.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, anh Nguyễn Thành Nam (Bà Triệu, Hà Nội) nhận định, kỳ nghỉ Tết, cha mẹ nào cũng mong muốn con có những trải nghiệm thú vị, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà quên việc học bởi với trẻ con, chỉ sau 1 thời gian ngắn, rất dễ xao nhãng, quên kiến thức đã được học trước đó.
"Tôi không ủng hộ việc ép con trẻ học trong ngày nghỉ Tết nhưng thầy cô vẫn nên giao 1 lượng bài tập nhất định, có thể là các bài ôn tập nhẹ nhàng để các con không quên kiến thức" - anh Nam nói.
Tết năm nay, ngoài các hoạt động vui chơi, chúc tết ông bà, họ hàng, phụ huynh này dự tính, sẽ cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của con không có quá nhiều xáo trộn.
"Tôi sẽ trao đổi với con trước kỳ nghỉ Tết, thống nhất với con là trong kỳ nghỉ lễ sẽ không thức quá khuya hay xem quá nhiều chương trình trên mạng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nếp sống, nếp học.
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi sẽ diễn ra vào ban ngày. Tối đến, con sẽ dành ra khoảng 1 tiếng để xem lại bài vở, tránh quên kiến thức" - anh Nam chia sẻ dự định.
Cô Nghiêm Thúy Châm - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói rằng, vấn đề cân đối giữa học và chơi không chỉ là nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh mà còn là vấn đề được các trường học quan tâm.
Dù vậy, cô Châm cho rằng, điều may mắn là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trùng với thời điểm sơ kết học kỳ 1. Học sinh vừa qua giai đoạn tập trung cao độ thi học kỳ 1, mới bước vào học kỳ 2 nên cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, giải toả căng thẳng trước khi bắt đầu giai đoạn học tập căng thẳng tiếp theo.
"Tết là dịp các con sum họp với gia đình. Nhà trường thường xuyên động viên, nhắc nhở các con vui chơi dịp Tết nhưng vẫn phải dành thời gian ôn bài.
Về phía phụ huynh, cũng cần trao đổi, giúp các con có 1 tâm lí thật thoải mái, sẵn sàng tiếp thu kiến thức nhưng không quá căng thẳng, áp lực. Làm sao để các con chủ động học tập, chủ động tiếp thu kiến thức 1 cách chủ động thì việc học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều" - cô Châm nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh.