Bị nợ lương, giáo viên mầm non tư thục chật vật sống qua ngày

Lan Nhi |

Nghỉ việc vì dịch COVID-19, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội ngày đêm thấp thỏm chờ đợi từng đồng lương. Họ đang phải tìm đủ mọi cách đi làm thêm, vay nợ khắp nơi, chật vật kiếm sống.

Mòn mỏi đợi lương

Theo ghi nhận của Lao Động, do nghỉ dạy đã gần 5 tháng nay, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang gặp khó vì phần lớn số tiền lương của họ đều bị nợ lại. Các điểm trường mầm non tư thục đồng loạt giải thể, không còn đủ vốn để cầm cự... khiến nhiều giáo viên tại đây đang chật vật, xoay đủ nghề kiếm sống.

Nghỉ dạy nhiều tháng nay vì dịch COVID-19, những giáo viên có con nhỏ, đi thuê nhà trọ thì gánh nặng kinh tế càng đè trên vai. Đồng lương bị nợ lại, không có tiền duy trì cuộc sống, họ buộc phải làm đủ thứ nghề như bán hoa quả, bán rau, lau nhà thuê, bưng bê quán ăn... chắt chiu từng đồng để vượt qua khó khăn.

 
Nhiều giáo viên trường mầm non tư thục gặp khó vì phần lớn số tiền lương của họ đều bị nợ lại. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Châm - giáo viên trường mầm non tư thục (quận Hà Đông) - chia sẻ: "Tết đã cận kề mà đồng lương nhiều tháng nay của chúng tôi vẫn bị nợ lại. Nhiều hôm cô hiệu trưởng phải nhắn tin trong nhóm chat, xin khất lên, khất xuống vì trường học không còn đủ vốn để duy trì.

Vừa thương cho họ mà cũng thương cho mình. Để duy trì, chăm lo cho gia đình, chúng tôi phải đi vay tạm thời, làm đủ nghề để kiếm sống như buôn rau, ship hàng, nấu xôi, gói bánh chưng để bán. Mặc dù đã gắn bó 8 năm nhưng vì áp lực tài chính đè nặng, những giáo viên như tôi không thể cầm cự được nữa, buộc phải chuyển nghề".

 
Đồng lương bị nợ lại, nhiều giáo viên phải làm đủ thứ nghề như bán trà sữa, bán rau, lau nhà thuê, bưng bê quán ăn... Ảnh: NVCC

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, đời sống của chị Lê Thị Linh - giáo viên trường mầm non tư thục quận Nam Từ Liêm - cũng rơi vào hoàn cảnh bấp bênh. Mặc dù đã viết đơn xin nghỉ việc nhưng số tiền lương của chị vẫn bị nợ lại, chưa được nhà trường quyết toán. Tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, nhiều tháng nay buộc chị Linh phải mở lời xin gia đình "cứu trợ" chứ không biết làm cách nào.

Khó khăn chồng chất khó khăn 

Được biết, các điểm trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội có nguồn thu chủ yếu dựa vào học sinh. Nếu học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 ở nhà, đồng nghĩa với việc nhà trường, cán bộ giáo viên tại đây đều không có thu nhập. Để có thể duy trì, nhiều giáo viên chỉ còn cách nhận công việc trông trẻ theo giờ, làm đủ nghề để trang trải cuộc sống.

 
Nhiều giáo viên nhận làm công việc trông trẻ theo giờ để trang trải cuộc sống.  Ảnh: NVCC

Trường học đóng cửa, phải nhận trông trẻ tại nhà, chị Lê Nhàn - giáo viên trường mầm non tư thục Hoa Mai - cũng đang không biết phải làm sao khi nhận được thông báo của phòng giáo dục quận Thanh Xuân về việc nghiêm cấm các giáo viên, chủ nhóm lớp nhận trông trẻ tại nhà. Lý do là vẫn đang trong thời gian thành phố yêu cầu toàn bộ học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19.

Chị Lê Nhàn bức xúc viết trên diễn đàn: "Theo công văn này thì tất cả giáo viên trường mầm non tư thục phải ký cam kết không được nhận trông trẻ tại nhà. Trong thời gian nghỉ dịch, tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nếu như giờ không được làm công việc này thì chúng tôi cũng không biết xoay sở thế nào".

 
Mất nguồn thu nhập, bị nợ lương... nhiều giáo viên trường mầm non tư thục đang bức xúc khi nhận được thông báo nghiêm cấm các giáo viên, chủ nhóm lớp nhận trông trẻ tại nhà. Ảnh: Chụp màn hình

Cùng nỗi bức xúc như chị Lê Nhàn, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục cũng lên tiếng: "Hiện tại, các ngành nghề khác cũng đã hoạt động trở lại. Nhiều phụ huynh do bận công việc nên những giáo viên chưa có việc làm như chúng tôi buộc phải nhận việc để bám nghề. Dịch bệnh, mỗi buổi chúng tôi chỉ trông được 1 - 2 bé, chỉ mong có thể duy trì cho đến khi trường học mở lại".

Mất nguồn thu nhập, bị nợ lương... những giáo viên phải đi thuê trọ, có con nhỏ thì kinh tế mấy tháng qua chủ yếu dựa vào vai người chồng, gia đình hai bên nội ngoại. Trong trường hợp người chồng cũng mất việc thì gia đình họ chỉ còn cách cầm cố giấy tờ, vay mượn tiền khắp nơi để duy trì, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lan Nhi
TIN LIÊN QUAN

Trường mầm non tư thục giải thể, hết dịch các con sẽ học ở đâu?

Lan Nhi |

Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh không đủ điều kiện gửi con vào trường công lập đặt ra khi gần đây, hàng loạt các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đồng loạt rao bán.

Chủ trường mầm non tư thục "mất trắng" tiền tỉ, phải lau nhà thuê để trả nợ

Lan Nhi |

HÀ NỘI - Phải đóng cửa cơ sở vì dịch COVID-19, nhiều chủ trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang phải đi vay lãi, cầm cố sổ đỏ, lau nhà thuê để kiếm sống.

Trường mầm non tư thục giải thể, giáo viên phải nhận trông trẻ theo giờ

Lan Nhi |

Hà Nội - Gần nửa năm nghỉ việc không lương, nhiều giáo viên thuộc các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang phải lăn lộn, làm đủ mọi nghề để mưu sinh trong dịch COVID-19.

Kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều trường mầm non tư thục đồng loạt rao bán

Lan Nhi |

Hà Nội - Phải đóng cửa liên tục vì dịch COVID-19, nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội không gánh nổi chi phí mặt bằng, buộc phải rao bán nhanh trên mạng xã hội.

Không được kiểm toán, cổ phiếu ITA bị đình chỉ giao dịch

Gia Miêu |

Cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo sẽ bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26.9.2024.

Tái thiết khu dân cư Nậm Tông sau vụ sạt lở vùi lấp nhà dân

Đinh Đại |

Ngày 22.9, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư thôn Nậm Tông sau vụ sạt lở kinh hoàng.

Thanh Hóa sơ tán hàng chục hộ dân khỏi nơi nguy hiểm

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Mưa lũ diễn ra phức tạp, hàng chục hộ dân tại huyện biên giới Mường Lát đã được sơ tán khẩn cấp khỏi nơi nguy hiểm.

Bánh mì Sài Gòn ngon tới mức khách Tây muốn ăn 7 chiếc liền

Đan Thanh |

TPHCM - Bánh mì Bảy Hổ mở bán hơn 90 năm qua được thực khách địa phương và quốc tế yêu thích nhờ hương vị và giá cả phải chăng.