Dạy học mùa COVID-19: Giáo viên vùng cao, vùng sâu nỗ lực vượt khó

Thiều Trang |

Ngày 19.11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức diễn đàn "Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn". Tại diễn đàn, nhiều thầy cô đã trao đổi, chia sẻ về công tác giảng dạy mùa COVID-19.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Cô Trần Thị Kim Hòa - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chia sẻ, trường cô giảng dạy đóng trên địa bàn xã khó khăn nhất của huyện, trường có đến 96% học sinh là người dân tộc Ba Na, cách trung tâm huyện 40km với nhiều điểm lẻ.

Trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát, nhà trường, học sinh không đủ điều kiện để dạy trực tuyến. Giáo viên phải mang các phiếu bài tập đến tận làng, tận bản. Nhưng các làng cách trường rất xa và ở trên vùng núi cao nên hành trình giao bài cho học sinh đầy gian nan và vất vả.

"Dạy học trong điều kiện bình thường đã khó khăn, dạy học trong mùa dịch COVID-19 càng khó khăn gấp bội. Trường chúng tôi không có mạng, không có sóng nên rất khó ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Việc giao bài cho học sinh chỉ là giải pháp tạm thời, nhà trường xác định duy trì việc học, nhưng kết quả không cao và khi hết dịch phải dạy từ đầu. Nhìn những học sinh của tôi quần áo rách rưới, nhàu nhĩ, khuôn mặt nhem nhuốc, chân cứng hơn đá sỏi, tôi thương vô cùng" - cô Hòa bộc bạch.

Cô giáo Trần Thị Kim Hòa chia sẻ về sự khó khăn trong quá trình giảng dạy - Ảnh: Dương Triều
Cô giáo Trần Thị Kim Hòa chia sẻ về sự khó khăn trong quá trình dạy học mùa COVID-19. Ảnh: Dương Triều

Thầy Trang Thành Giá - giáo viên Trường THPT Trần Văn Thời  (tỉnh Cà Mau) cho biết, trường học thuộc vùng sâu sông nước, học sinh lần đầu tiên tiếp cận với hình thức học trực tuyến có rất nhiều khó khăn.

Theo đó, đa số học sinh đều không có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Nếu có, chỉ học trên điện thoại với màn hình nhỏ, chữ nhỏ, khả năng tập trung rất kém. Vì vậy, có thời điểm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quyết định bậc Tiểu học và Mầm non không triển khai hình thức học trực tuyến.

Khó khăn tiếp theo thầy và trò nhà trường phải đối mặt là việc khó truyền phát thông tin. Vùng sông nước tín hiệu rất kém, đặc biệt là vùng ven sông, ven biển, đảo, học sinh không thể kết nối lớp học do mạng chập chờn. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin của phụ huynh thấp, không thể hướng dẫn học sinh học tập.

Thầy Trang Thành Giá cũng nhấn mạnh khó khăn về khả năng quản lý học sinh khi học trực tuyến. Theo đó, đa phần người dân ở địa phương đều đi lao động ở Đồng Nai, TPHCM, ông bà quản lý không sâu sát. Bên cạnh đó, phụ huynh đi làm nhiều, về muộn nên quản lý con em rất khó khăn.

Nỗ lực sáng tạo, đổi mới để thích ứng

Trước những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, các thầy cô đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo để thích ứng. Thầy Lê Châu Khoa - giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Đà Nẵng) đã không ngại khó khăn, cố gắng hết mình giảng dạy cho các em học sinh nơi đây, tìm ra những phương pháp dạy dễ hiểu nhất.

"Tôi đã áp dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng của mình làm tăng sự hưng phấn cho học sinh, giới thiệu các em nhiều thông tin giáo dục hơn qua mạng lưới Internet. Tôi đã tham gia các cuộc thi bài giảng điện tử E-learning cấp Thành phố và đạt giải Nhất.

Đặc biệt, trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh COVID-19, tôi đã tạo ra kênh YouTube “English for Students: Tiếng Anh dành cho học sinh” giúp các em tự học, ôn tập và tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của học sinh. Đồng thời, tôi cũng đẩy mạnh xây dựng lớp học "đảo ngược" - giáo viên đăng tải kiến thức để học sinh nghiên cứu, sau đó trao đổi và giải đáp thắc mắc" - thầy Khoa chia sẻ.

 
Thầy Lê Châu Khoa - giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng

Cô giáo Lương Thị Tuyết - giáo viên Trường PTDTBT THCS Thắng Mố (tỉnh Hà Giang) cho biết, ngôi trường cô giảng dạy có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn chậm, đồ dùng học tập thiếu thốn. Vì vậy, cô luôn trăn trở làm thế nào để các em chăm chỉ đến trường, yêu thích việc học.

"Tôi đã tìm kiếm, tham khảo các phương pháp học trên Internet, đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp và tự rút kinh nghiệm qua các năm. Tôi có sáng kiến "Khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học môn Địa lí" và thiết kế bài giảng Elearning, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi môn Địa lí.

Đặc biệt, trong thời gian nghỉ dịch, tôi kết hợp với Đoàn xã gửi bài kiểm tra, ôn tập đến thôn bản, sau đó đến thu bài và chữa bài cho các em. Những nơi không có sóng để gửi bài, chúng tôi dựng lều hứng sóng, mỗi thôn 1 lều và thôn trưởng sẽ chuyển bài tập đến học sinh" - cô Tuyết chia sẻ.

Diễn đàn "Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn" nằm trong  chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".

Năm 2021, chương trình tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19.

Thiều Trang
TIN LIÊN QUAN

Chuyện giáo viên thắp lửa tri thức ở vùng sâu mùa COVID-19

Thiều Trang |

Trải qua bao gian truân, nhọc nhằn, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Kiều - giáo viên tiếng Anh - Trường TH&THCS Trần Phú (Đắk Ngo, Tuy Đức, Đắk Nông) vẫn miệt mài thắp lửa tri thức, mở cánh cửa tương lai cho biết bao học trò vùng sâu xa ngái. Mặc sự cản trở của đại dịch COVID-19, cô giáo Mỹ Kiều vẫn nỗ lực sáng tạo trong dạy học để tất cả học sinh không bị bỏ lại phía sau.

"Tôi cảm hóa học sinh bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành"

Thiều Trang |

Hơn 11 năm gắn bó với nghề, thầy Vũ Trường Hải - giáo viên bộ môn Thể dục Trường THPT Trần Hưng Đạo (Gò Vấp, TPHCM) luôn xem học sinh là người thân trong gia đình. Để rồi trong hành trình ấy, thầy đã "cảm hóa" nhiều học sinh cá biệt bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành.

Người gieo chữ kiên cường ở vùng đất bị quên lãng

Thiều Trang |

Thương học trò, thương người đồng bào dân tộc thiểu số, ròng rã 5 năm trời, thầy Hò Văn Lợi không quản nắng mưa, kiên định đánh vật với núi đá nhọn để mang con chữ lên bản, nỗ lực gieo chữ, gieo mầm yêu thương để thu về những mùa trái ngọt.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.