Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông làm cơ sở cho các nhà trường thực hiện. Quy chế này dự kiến khi nào ban hành và hình hài của nó ra sao, thưa ông?
- Hiện Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) đang phối hợp với Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Đây sẽ là lần đầu tiên có quy chế chính thức cho việc thực hiện phương thức dạy học này, để ngành giáo dục quyết tâm thực hiện tốt, làm bài bản, có căn cứ pháp lý.
Dự kiến, quy chế có thể được ban hành và đưa vào áp dụng từ năm học tới. Về cơ bản, trước đây dạy học trực tuyến được xem là biện pháp tình thế khi học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19, nhưng từ sau này nó sẽ là một phần của hoạt động dạy học trong nhà trường.
Bộ GDĐT sẽ quy định khung, cho phép chính thức áp dụng việc dạy học trực tuyến, từ đó các địa phương, nhà trường căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện cụ thể (về cơ sở vật chất, giáo viên) chủ động quyết định thực hiện.
Căn cứ cụ thể từng môn học, bài học, tiết học để xem xét phần nào dạy được trực tuyến thì thực hiện để học sinh có thể học mọi lúc mọi nơi, phần còn lại sẽ vẫn tiếp tục dạy trực tiếp trên lớp; kết hợp giữa trực tuyến và trực tuyến nhằm phát huy lợi thế của phương thức này.
Như vậy, việc chủ động của địa phương, nhà trường thời gian tới sẽ rất cao, đặc biệt là trường đại học khi có thể tự cân đối, sắp xếp nội dung dạy học trực tuyến phù hợp với thực tiễn của trường mình.
Thời gian qua, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức thí điểm và khảo sát mô hình dạy học trực tuyến tại một số địa phương, trường học để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Trong quá trình khảo sát, thực tế các trường gặp phải những khó khăn gì?
- Có nhiều khó khăn được nêu ra, như vấn đề nhận thức, chính sách, sở hữu trí tuệ, hay kể cả vấn đề học phí khi thực hiện dạy học online. Rồi vấn đề tập huấn cho giáo viên kỹ năng, phương pháp dạy online sao cho hiệu quả.
Dạy trực tuyến không đơn giản cứ quay video và đưa một bài giảng lên mạng mà nó đòi hỏi người thầy phải có những kỹ năng sư phạm khác so với dạy trực tiếp. Rồi phải có học liệu số để học sinh có thể truy cập để học bất cứ khi nào. Vấn đề đảm bảo an toàn cho người học và người dạy trực tuyến... cũng phải được lưu tâm.
Hiện Bộ GDĐT hoàn thiện dự thảo, chuẩn bị đăng tải lên mạng lấy ý kiến các địa phương, cơ sở giáo dục, chuyên gia và nhân dân theo quy định để có thể sớm hoàn thiện ban hành quy chế, giải quyết các khó khăn đặt ra ở các địa phương.
Vậy làm thế nào để các cơ sở giáo dục có động lực đẩy mạnh ứng dụng dạy học trực tuyến, trong điều kiện các trường có quyền thực hiện hoặc không thực hiện việc này?
- Để đẩy mạnh dạy học trực tuyến, quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Học trực tuyến là một phương thức dạy học tiên tiến, đã thực hiện từ lâu ở các nước có nền giáo dục phát triển, cũng là một xu hướng của hội nhập quốc tế trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Khó có thể thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp nhưng hoàn toàn có thể thay thế một phần nội dung của dạy học trực tiếp, rút ngắn thời lượng học tập trên lớp, tăng cường thời lượng tự học hoặc học tập thông qua trải nghiệm.
Từ góc độ tác động xã hội, dạy học trực tuyến góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Nó còn giúp kết nối, tạo nên những lớp học không biên giới; thu hẹp khoảng cách không gian, tri thức được lan tỏa cực kỳ dễ dàng... Nhận thấy lợi ích hiện hữu của phương thức dạy học này chính là động lực để cả hệ thống cùng vào cuộc triển khai áp dụng.
Ngay cả khi Bộ GDĐT ban hành quy chế chính thức về dạy học trực tuyến nói trên, tạo cơ sở pháp lý, gỡ bỏ các rào cản cũng là một động lực để các địa phương, nhà trường đẩy mạnh dạy học trực tuyến ở phổ thông.
Bộ GDĐT sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ cho học sinh ở các vùng khó khăn triển khai dạy học trực tuyến, thưa ông?
- Trong thời gian dãn cách xã hội, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ TTTT huy động các nguồn lực xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp như Vietel, VNPT, Vietnamobile... hỗ trợ ngành giáo dục về đường truyền, nền tảng phần mềm học tập trực tuyến.
Cá nhân tôi cho rằng, đối với học sinh vùng khó khăn, các tổ chức, doanh nghiệp luôn luôn sẵn sàng chung tay cùng với Nhà nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới.
Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng học liệu số trong toàn ngành, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa chia sẻ rộng rãi miễn phí cho cộng đồng 5.000 bài giảng E-learning được tuyển chọn từ các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng E-learning, 2.000 video clip các bài giảng, khoảng 31.000 câu hỏi trắc nghiệm. Các nhà trường, giáo viên, học sinh các vùng khó khăn có thể truy cập sử dụng, tham khảo trong hoạt động dạy và học.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!