Sự bất lực của giáo dục!
Ngày 31.10, ông Bùi Nguyên Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (ở số 38, đường Lê Hoàn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thông tin việc trường này vừa đưa ra quyết định thi hành kỷ luật 8 học sinh. Trong đó, 3 em bị đuổi học 1 năm với lý do lập nhóm trên mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên.
Căn cứ để nhà trường đưa ra “án” kỷ luật này là theo Thông tư số 12/2011 về điều lệ Trường THPT. Học sinh đã vi phạm vào những điều “học sinh không được làm” quy định trong điều lệ. Mức kỷ luật đuổi học được dựa theo Thông tư số 08/1988 hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong trường phổ thông.
Ngay sau thông tin này, giáo viên, phụ huynh, dư luận xã hội đã có nhiều tranh luận.
Với tư cách một phụ huynh, anh Lê Bảo (tại Hà Nội) chia sẻ trăn trở khi đọc những bản tin về vụ việc “7 học sinh ở Thanh Hóa bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên Facebook. Theo anh, biện pháp đuổi học là không khả thi, chỉ là cách đẩy trách nhiệm từ nhà trường sang xã hội.
Đồng quan điểm này, TS Trần Thành Nam – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng, việc “loại bỏ” những học sinh này ra khỏi môi trường nhân văn, an toàn như giáo dục nhà trường là không nên.
TS Nam khẳng định việc đuổi học học sinh là hình phạt quá nặng. Điều đó nói lên sự bất lực của giáo dục và thiếu tính sư phạm của nhà trường.
Không nên tước quyền học tập của học sinh!
Trong giáo dục, cách dễ dàng nhất là kỷ luật khi học sinh mắc lỗi, thậm chí đuổi học những em hư. Việc dạy dỗ một đứa trẻ chưa ngoan thành một công dân tốt là cả một kỳ công. Nhiều giáo viên, nhà trường hiện nay chọn cách làm dễ dàng nhất.
Và khi đó, những đứa trẻ bị đẩy ra ngoài xã hội, trong khi trường học mới là môi trường giáo dục tốt và an toàn nhất giúp học sinh nên người.
Với triết lý “không để học sinh nào bị đẩy ra ngoài xã hội, để đảm bảo tất cả trẻ em đều có quyền được đi học, được giáo dục”, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – phản đối việc nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học với học sinh hư.
Theo quan niệm của TS Lâm, không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa ngoan và người thầy, cha mẹ chưa tìm được cách giáo dục phù hợp. Nhiệm vụ của thầy cô là dùng nhân cách của mình, phương pháp để cảm hóa học trò.
Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam cho rằng, thay vì ra quyết định đuổi học ngay với nhóm học sinh lớp 10 nói xấu thầy cô tại Thanh Hóa, nhà trường cần cho các em cơ hội, tìm hiểu vì sao học sinh lại có hành động như vậy.
Ví dụ, những phát ngôn, hành vi ứng xử của giáo viên trên lớp đã đúng chưa, có điều gì khiến học sinh hiểu sai hay không?
Theo chuyên gia tâm lý này, hình phạt trong nhà trường trước hết phải mang tính giáo dục, giúp học sinh vượt qua sai lầm chứ không phải là tước đi quyền được học tập và cơ hội giúp học sinh sửa sai.