Chương trình trả lời cho câu hỏi: “Học xong, làm được gì?”
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), chương trình được xây dựng nhằm chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực cho người học. Nếu như chương trình trước đây trả lời câu hỏi: “Học xong học sinh biết được những gì?” thì chương trình này trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
“Để thể hiện triết lý Thực học, thực nghiệp, trước hết, chương trình phải xuất phát từ các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực mà chọn nội dung dạy học thiết thực cho học sinh. Thứ hai là phải tổ chức cho học sinh hoạt động để khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức” – GS Thuyết khẳng định.
Chương trình GDPT mới cũng thể hiện triết lý “Học để biết”. Nhưng “biết” không chỉ có nghĩa là biết kiến thức mà còn bao hàm nghĩa “biết cách học để tự học suốt đời”.
Một triết lý khác cũng được thể hiện rõ trong Chương trình GDPT mới là “Học để tự khẳng định mình”, học để trở thành chính mình. Nhà trường phải khơi dậy tiềm năng của mỗi người, nói cách khác là không thực hiện nền giáo dục đồng phục mà phải tạo ra môi trường học tập thân thiện, học sinh được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành.
Chương trình cũng thể hiện triết lý “Học để cùng chung sống” của UNESCO. Càng ngày nhân loại càng đề cao giá trị “Tôn trọng”. Nhà trường phải dạy cho học sinh cách tôn trọng sự khác biệt của nhau, miễn là sự khác biệt đó không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật.
Học sinh được lựa chọn nội dung học phù hợp với nguyện vọng, sở trường
Theo GS Thuyết, ngay từ tiểu học, chương trình sẽ cho học sinh được quyền lựa chọn một số nội dung phù hợp với nguyện vọng và năng lực. Nhưng tính phân hóa thể hiện rõ nhất là ở cấp THPT. Học sinh sẽ không phải học tất cả các môn nữa, ngoài các môn công cụ như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và những môn mà luật bắt buộc phải học như Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, học sinh được lựa chọn học 5 môn theo sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình.
Các môn học lựa chọn được chia thành 3 nhóm: Nhóm khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục khoa học pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm Vật Lý, Hóa học, Sinh học và nhóm Công nghệ và nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo đó, học sinh được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm này, với yêu cầu mỗi nhóm lựa chọn ít nhất 1 môn.
Với quy định như vậy, học sinh vừa được giáo dục toàn diện nhưng có khả năng được phân hóa sâu hơn. Những em nào muốn đi sâu vào một số ngành sẽ có thêm 35 tiết/năm để học các chuyên đề học tập. Riêng môn Giáo dục thể chất sẽ được dạy theo hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn, học sinh thích môn nào như bóng rổ, bóng bàn, khiêu vũ thể thao… có thể chọn môn đó.
“Khi nói đến điều này, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, không phải nơi nào, trường nào cũng có đầy đủ để thực hiện việc dạy học phân hóa như vậy. Nhưng chúng ta không thể vì một số nơi còn khó khăn mà kéo cả nước xuống cho “công bằng”. Ngược lại, địa phương nào, trường nào có điều kiện tiến xa đến đâu thì phải tạo điều kiện cho địa phương đó, trường đó phát triển đến đấy.
Để giúp học sinh lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, thầy cô cũng như cha mẹ học sinh cần tư vấn cho các em, chứ không nên ép buộc các em. Cha mẹ lựa chọn không phù hợp với nguyện vọng, sở trường của con có thể làm thui chột khả năng tiềm ẩn trong con mình” – GS Thuyết phân tích.