Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình bị phát hiện nhưng cho tới nay, xử lý trách nhiệm những người liên quan như thế nào vẫn là câu hỏi người dân đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Ngoài những đối tượng đã bị khởi tố, điều tra vì trực tiếp liên quan đến nâng khống điểm thi, các đối tượng gián tiếp khác như phụ huynh, học sinh và lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục sẽ bị xử lý như thế nào?
Từ năm 2017 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được giao về cho địa phương tổ chức. Thế nhưng, khi được hỏi về trách nhiệm của của Ban chỉ đạo thi, trong đó có Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh thì PV Lao Động hầu hết nhận được sự thoái thác trả lời là bận họp, bận đi công tác, nghỉ phép... thậm chí là không tiếp, không nhận câu hỏi từ PV. Đáng buồn, có những lãnh đạo chưa từng công khai nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân khi để xảy ra gian lận thi.
Trao đổi với PV Lao Động, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La Trần Luyến cho hay: Từ cổ chí kim đến nay, việc gian lận thi cử thời nào cũng có và từng xuất hiện hiện tượng đánh tráo bài thi. Tuy nhiên, thời nay được giáo dục, đào tạo, dạy dỗ trong khoa học tiến bộ, trong thượng tôn pháp luật mà vẫn vi phạm nặng nề như thế là điều vô cùng đáng tiếc và đáng trách.
Từ đó, ông Luyến nêu quan điểm về việc xử lý những người vi phạm để lấy lại sự trong sạch cho hoạt động giáo dục.
“Tôi ủng hộ quan điểm phải xử lý nghiêm, phải cho đi tù những người gian lận. Chúng ta không được bao che, nếu không sẽ hỏng hết!”, ông Luyến nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực, kỳ công trong việc tìm ra sai phạm và những kẻ trực tiếp nâng điểm, vị nhà giáo ưu tú thẳng thắn cho rằng việc làm rõ sai phạm hiện còn quá chậm. Đến thời điểm này vẫn chưa đâu vào đâu, thực sự làm khổ học trò, gây mất niềm tin đối với nền giáo dục và sự minh bạch trong thi cử.
Còn TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cũng bày tỏ sự không hài lòng trong vấn đề xử lý gian lận. Theo ông Chức, việc xử lý như vậy là chậm. Điều này tạo nên những dư luận xã hội không tốt.
“Tôi khuyến cáo cơ quan chức năng nên xử lý sớm, hợp tình hợp lý”, ông Chức nói.
Trong khi đó, về vấn đề xử lý trách nhiệm của phụ huynh có liên quan, ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La - cho rằng, dư luận, người dân nên kiên nhẫn để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Sai đến đâu, xử đến đó, không có vùng cấm, vùng trống nào hết.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh cần xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong năm 2018 và những năm trước. Thực hiện việc xử lý phải đảm bảo không có vùng cấm, tiếp tục lấy lại sự công bằng trong thi cử.
“Thái độ Chính phủ về vấn đề này rất cương quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị cần rút kinh nghiệm, tiếp tục rà soát các tình huống, nguy cơ để không xảy ra tiêu cực, sai phạm nào trong năm 2019.