Phát triển công nghiệp hỗ trợ:

Những ngành học cơ hội việc làm cao, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn

Bích Hà |

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sinh viên đang học những ngành Hóa học, Vật lý, Vật liệu, Kĩ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông, Điều khiển, Tự động hóa… có thể học thêm một khóa đào tạo ngắn, để chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu ngành bán dẫn vi mạch đang rất “khát” nhân lực.

Kỹ sư vi mạch thu nhập 1,5 tỉ đồng mỗi năm

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỉ đồng/năm.

Mức thu nhập tốt, trong khi nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty đang rất lớn. Sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế và một số mảng khác.

Theo dự báo của Trường ĐH Fullbright, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới là khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, hiện tại, khối trường ĐH kĩ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã sẵn sàng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Trong đó, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về Hóa học, Vật lý, Vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có Kĩ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông cùng các ngành gần bao gồm Kĩ thuật điện, Điều khiển và Tự động hóa, Cơ điện tử…

Hiện Trường Đại học FPT đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, bắt đầu đào tạo lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024. Định hướng của Khoa là đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế vi mạch.

Ngoài việc mở trực tiếp ngành Vi mạch bán dẫn, rất nhiều trường đại học ở Việt Nam đang đào tạo những ngành rất gần với ngành này. Sinh viên theo học có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo vài tháng hoặc 1 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.

Lo ngại đào tạo ồ ạt

Trước “cơn sốt” ngành vi mạch bán dẫn, nhiều ý kiến lo ngại, thời gian tới, các trường có thể ồ ạt mở ngành học này. Nếu không có định hướng, kiểm soát đầu vào sẽ dẫn đến đào tạo không sát nhu cầu thị trường, hoặc không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về nguồn nhân lực chất lượng cao mà ngành bán dẫn đang cần.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, ngành vi mạch bán dẫn, hay các ngành gần với ngành này đều đang “khát” nhân lực và phục vụ cho chính quá trình chuyển đổi số của đất nước, nên sẽ không lo dư thừa. Còn việc đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở lĩnh vực bán dẫn, đây là bài toán đặt ra với các trường đại học, từ việc nâng cao chất lượng đầu vào, đến chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra.

Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Đáp số của bài toán này chính là doanh nghiệp nào sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào trong công nghệ bán dẫn, các trường đại học cần nắm bắt những thông tin này để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nếu hướng đến thiết kế chip thì các lĩnh vực cần đào tạo là Kĩ thuật điện tử, Kĩ thuật máy tính. Còn nếu hướng đến chế tạo chip thì đầu tư cho các ngành Vật lí, Tự động hóa, Điện tử… Còn hướng tới đóng gói chip là ngành Điện tử, Hóa, Tự động hóa.

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, số lượng sinh viên đại học tuyển mới và tốt nghiệp các nhóm ngành phù hợp (cần điều chỉnh chương trình đào tạo để bổ sung chuyên ngành sâu từ 1-2 học kỳ), ngành gần (cần học chuyển đổi, bổ sung từ 2-3 học kỳ) như sau:

- Các ngành phù hợp (điện tử-viễn thông, vi điện tử…): tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm (gia tăng trung bình 7%/năm).

- Các ngành gần (điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…): tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm (gia tăng trung bình 10%/năm).

Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thì Việt Nam sẽ có 3.000 nhân lực mỗi năm đáp ứng nhu cầu ngành bán dẫn.

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Thời cơ để giáo dục đại học Việt Nam đột phá trong công nghệ bán dẫn

Trang Trực |

Đà Nẵng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là thời cơ rất tốt để các trường đại học giúp Việt Nam đột phá trong công nghệ bán dẫn. Từ đó, giúp nâng tầm vị thế đất nước và cho chính giáo dục đại học Việt Nam.

5 trường đại học liên minh phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn

THÙY TRANG |

Ngày 19.10, 5 trường đại học lớn đã cùng ký kết hợp tác liên minh các đại học Việt Nam cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Đồng tình với đề xuất về cán bộ công đoàn chuyên trách

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất Tổng LĐLĐVN được quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam

Thanh Hà |

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo tối 8.10 về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Cập nhật giá vàng chốt phiên 8.10: Vàng nhẫn cao chót vót, khó mua

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt phiên 8.10: Vàng nhẫn trơn giảm nhẹ, tuy nhiên việc mua vào thời điểm này rất khó mua.

Cận cảnh bữa ăn sinh viên ĐH Bách khoa sau vụ tố cơm thừa

Nhóm PV |

Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đã cải thiện chất lượng bữa ăn cho sinh viên học Giáo dục Quốc phòng và An ninh tại trường.

Nam sinh ở Vĩnh Long bị đánh, hiệu trưởng sẽ nhận kỷ luật

Phong Linh |

Vĩnh Long - Ngoài kỷ luật đối với các học sinh đánh bạn, ngành giáo dục xác định hiệu trưởng và 2 giáo viên của trường cũng có sai phạm liên quan.

Chiếm 2.800m2 đất, doanh nghiệp chỉ phải nộp 6,1 triệu đồng

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Xây dựng trái phép trên diện tích 2.800m2, một doanh nghiệp tại huyện Diễn Châu chỉ phải nộp ngân sách số tiền 6,1 triệu đồng.

Thời cơ để giáo dục đại học Việt Nam đột phá trong công nghệ bán dẫn

Trang Trực |

Đà Nẵng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là thời cơ rất tốt để các trường đại học giúp Việt Nam đột phá trong công nghệ bán dẫn. Từ đó, giúp nâng tầm vị thế đất nước và cho chính giáo dục đại học Việt Nam.

5 trường đại học liên minh phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn

THÙY TRANG |

Ngày 19.10, 5 trường đại học lớn đã cùng ký kết hợp tác liên minh các đại học Việt Nam cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.