Tại Phú Yên, Bắc Giang, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đã quyết định dừng thi ở những điểm có thí sinh F0. Ngược lại, tại TPHCM, khi phát hiện 6 điểm thi trên địa bàn xuất hiện thí sinh có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, Ban chỉ đạo thi của thành phố vẫn tổ chức thi bình thường sau khi tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
TPHCM đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, mục tiêu đảm bảo an toàn cho thí sinh đã không đạt được khi nhiều sĩ tử ở các điểm thi có kết quả xét nghiệm dương tính. Bỗng dưng trở thành F1 vì ngồi chung phòng thi với thí sinh F0, không ít sĩ tử đã phải ngồi làm bài những môn còn lại của kỳ thi trong tâm trạng lo lắng.
Về phía phụ huynh cũng "thấp thỏm" khi con trở thành F1. Không ít thí sinh rơi vào hoàn cảnh kết thúc kỳ thi sẽ là những ngày đi cách ly.
Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động liên quan đến những cách ứng xử khác nhau với tình huống khẩn cấp của các địa phương trong đợt tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, với mục tiêu an toàn cho thí sinh là trên hết, Bộ đã chỉ đạo chung, còn các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để ra quyết định.
Ví dụ như ở TPHCM đã rất công phu để lấy ý kiến của phụ huynh trước khi Kỳ thi diễn ra. Khi có thí sinh F0, TPHCM cũng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, quyết định cho thí sinh F1 dự thi trong phòng thi đặc biệt, đảm bảo quy định về giãn cách, cũng như an toàn, an ninh của kỳ thi.
“Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, chủng virus nhiều hơn, mức độ lây lan nhanh hơn. Chính vì thế, trên nguyên tắc căn bản, để các địa phương có những kịch bản phù hợp hơn. Còn đương nhiên, việc tổ chức, hoàn thành các khâu chuyên môn là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn khâu phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị”- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh.
Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2
Cũng theo PGS.TS Mai Văn Trinh, đối với những thí sinh đang thi tốt nghiệp THPT nhưng sau đó không thi nữa vì phát hiện thuộc diện F0, ngoài việc được quyền đặc cách xét tốt nghiệp, các em sẽ được bảo lưu kết quả các môn đã thi.
"Với các thí sinh này, khi đã làm bài thi môn nào ở đợt 1 thì sẽ bảo lưu kết quả những môn thi đó. Sau đó, thí sinh sẽ tham gia dự thi các môn còn lại theo nguyện vọng ở đợt thi thứ 2 để hoàn thành kỳ thi. Bộ GDĐT luôn đặt quyền lợi và nguyện vọng của các em lên trên hết"- ông Mai Văn Trinh cho hay.
Cũng liên quan đến quyền lợi của thí sinh thi đợt 2, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, với những thí sinh thuộc diện F0 sẽ được xét tốt nghiệp đặc cách. Nếu các em vẫn có nguyện vọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể dự thi vào đợt 2 (nếu đủ điều kiện).
Ngoài ra, các em có thể tham gia xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau như xét kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự Kỳ thi đợt 1, Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.