Thông tư liên tịch của Bộ GDĐT có hiệu lực từ ngày 20.3.2021 yêu cầu giáo viên sẽ phải đạt tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, giáo viên các cấp nếu chưa đủ điều kiện phân hạng theo thông tư mới sẽ phải học và thi lấy chứng chỉ hoặc chịu phân hạng lại theo quy định của thông tư mới. Ngoài ra các giáo viên giáo viên các cấp được tuyển dụng sau ngày 20.3.2021 phải có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Thông tư vừa ban hành dấy lên rất nhiều lo âu, suy nghĩ, thậm chí là mông lung chưa thể xác định mục đích, những việc phải làm nhằm đáp ứng yêu cầu của thông tư này. Bởi chỉ khi giáo viên đạt đủ trình độ yêu cầu của hạng tương ứng thì mới “được lợi". Đồng nghĩa với đó, các giáo viên chưa đạt chuẩn tại thời điểm 20.3.2021 có thể sẽ chịu thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp khác.
PV Báo Lao Động lắng nghe những trải lòng của giáo viên và cả những người làm công tác quản lý giáo dục ở những tỉnh vùng cao.
Ông Trịnh Xuân Quyền, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu trải lòng: Thực ra đã trở thành thực trạng chung, các cơ sở giáo dục ở đâu cũng phải chấp nhận, riêng tại địa bàn tỉnh Lai Châu mỗi đợt cần đào tạo các chứng chỉ giáo viên, Sở GDĐT tỉnh sẽ tổ chức cho các anh chị em học tập trung ngay tại địa phương.
Tuy nhiên với thông tư mới mà Bộ GDĐT mới ban hành khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, bởi tất các các địa phương vùng núi, giao thông đi lại rất khó khăn, lương giáo viên thấp.
Áp lực công việc khá nhiều, học sinh ở đây còn chưa coi trọng học hành, thường xuyên bỏ học mỗi lần như thế là anh chị em phải băng rừng, lội suối vào tận nhà tận bản động viên các em trở lại học. Vốn dĩ bám trường dạy học đã khó khăn như vậy lại phải thực hiện theo thông tư mới mà Bộ ban hành nữa thì rất vất vả cho anh chị em giáo viên.
Còn ông Phạm Trung Thành - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Thu Phố - một trong những điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của huyện Bắc Hà và tỉnh Lào Cai - trăn trở, khi đón nhận thông báo về thông tư mới của Bộ GDĐT toàn thể giáo viên trong trường đều cảm thấy rất mông lung, không biết sau khi thông tư chính thức có hiệu lực mọi người sẽ phải làm những gì…
Theo ông Thành, giáo viên vùng cao mặt bằng chung lương rất thấp, điều kiện kinh tế, giao thông lại khó khăn, nguồn thu nhập chính chỉ có trong việc dạy học tại trường, không có thu nhập ngoài giờ, nếu phải tiếp tục học thăng hạng là một trở ngại lớn với mọi người.
Lần gần nhất khi Bộ yêu cầu giáo viên phải có các chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, giáo viên đã rất vất vả đi học lấy tín chỉ nhưng vẫn phải đảm bảo công tác giảng dạy.
Kinh phí để mỗi lần đi học và thi cấp chứng chỉ mọi người đều phải tự túc, lần này nếu phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp kịch bản ấy lại tiếp tục diễn ra. Giáo viên bây giờ có lẽ nghe thấy thông tư mới của Bộ Giáo dục là sợ, chán nản buông xuôi.
Bởi họ cho rằng, có ý kiến, có đề xuất thì các thông tư vẫn cứ ban hành, những bất cập đâu đó vẫn diễn ra. Họ chỉ mong các cấp lãnh đạo ngành giáo dục sau khi ban hành tự thấy thông tư, hay quyết định... không ổn.
Từ đó thay đổi tư duy, và chỉ đạo sao cho hợp lý và khoa học hơn. Với các giáo viên, mong mỏi lớn nhất của họ là được dạy học với những bằng cấp và trình độ chuyên môn sư phạm đã được đào tạo, trau dồi, đã tích lũy theo thời gian.