Hối hả trên những công trường
Những ngày đầu tháng 11, tại công trường xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), công nhân hối hả làm việc để bắt kịp tiến độ bị gián đoạn sau 4 tháng giãn cách xã hội. Nhánh hầm từ hướng quận 7 sang huyện Bình Chánh có khoảng 30 công nhân thi công các hạng mục đổ bêtông thân, tường đốt hầm HC2 (hướng quận 7 sang huyện Bình Chánh). Những chiếc xe cẩu vận hành liên tục để nhổ cọc thép gia cố tại các trạm bơm.
Theo ông Nguyễn Phước Thuận - Phó ban Điều hành Dự án đường bộ 4, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), trong quá trình cao điểm dịch bùng phát, công trình gặp phải nhiều khó khăn về thiếu vật liệu, các quy định phòng dịch nghiêm ngặt dẫn đến tiến độ bị chậm.
“Trong dịch, dù duy trì thi công nhưng nhân công chỉ có thể thực hiện trước những việc gọn, nhẹ… Nhiều việc như đổ bêtông cũng không thể đổ được vì nhà cung cấp vật tư, thép đều không có” - ông Thuận nói và cho biết, hiện công trường đang thi công xuyên suốt tuần để bù lại tiến độ. Hiện dự án đạt hơn 27% tổng khối lượng; dự kiến hoàn thành nhánh hầm HC2 (đã đạt 52%) giữa năm 2022 và tiếp tục hoàn thành nhánh HC1 vào năm 2023.
Ở công trình thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tại 4 gói thầu có khoảng 1.120 kỹ sư, công nhân ngày đêm làm việc trên công trường. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, hơn 90% công nhân ở 4 gói thầu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, các nhà thầu đang đẩy nhanh thi công các hạng mục chính.
Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) đang thi công hoàn thiện kiến trúc, cơ điện ga Bến Thành, các lối lên xuống, tháp thông gió và thi công đắp trả nhà ga, đoạn hầm đào hở. Gói CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) thi công hoàn thiện kiến trúc, cơ điện ga Nhà hát, ga Ba Son. Gói CP2 (đoạn trên cao và depot) thì hoàn thiện kiến trúc, cơ điện các nhà ga trên cao, depot, trạm biến áp. Gói CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) thi công lắp ray đường tàu. Toàn dự án đạt hơn 87,8 % khối lượng.
Bên cạnh 2 dự án trên, nhiều dự án cầu, đường dân sinh quan trọng như cầu Thủ Thiêm 2, cầu Mỹ Thủy 3 (Thành phố Thủ Đức), nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), cầu Bưng (nối quận Tân Phú và quận Bình Tân), cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), lắp đặt cống thoát nước đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn)… cũng hối hả thi công trở lại sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh.
Gỡ vướng để dự án tăng tốc về đích
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết đã cho thi công trở lại 45 gói thầu thuộc 27 dự án, với lượng công nhân, kỹ sư hơn 1.000 người, chiếm khoảng 60% so với trước. Chủ đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ 9 gói thầu, dự án trước ngày 31.12 gồm: Dự án Nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức); xây mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); xây dựng kè chống sạt lở Sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m...
Ngoài ra, dự án xây dựng mới cầu Bưng (quận Bình Tân) và dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
Theo ông Phan Công Bằng - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, từ ngày 1.10, TPHCM áp dụng Chỉ thị 18, ngoài công trình xây dựng, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt xã hội... được hoạt động. Điều này giúp khôi phục chuỗi liên kết giữa các lĩnh vực, như cung ứng các dịch vụ, mua bán, vận chuyển... Tỉ lệ tiêm vaccine tại thành phố hiện rất cao giúp huy động nhân công cho các công trường.
Bên cạnh những thuận lợi, các chủ đầu tư đang gặp khó khăn khi chưa thể lập tức huy động nhân công đang thiếu hụt tại nhiều công trình. Vì vậy, song song tổ chức cho lực lượng tại chỗ thi công trở lại, giải pháp huy động lao động cho các dự án được ngành Giao thông tập trung giải quyết. Ông Bằng cho biết, Sở GTVT hiện là đầu mối phối hợp các sở ngành, quận huyện và ngành Giao thông tỉnh thành khác lên phương án đón lao động trở lại TPHCM làm việc.
Mới đây, Sở GTVT cũng làm việc với các chủ đầu tư lớn để đánh giá vướng mắc liên quan vận chuyển vật liệu, từ đó làm việc với các địa phương tháo gỡ. Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM cùng các chủ đầu tư, chính quyền quận huyện trên địa bàn thành phố phối hợp giải quyết vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng ở các dự án giao thông nhằm sớm khắc phục.