Phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), Bạc Liêu đối mặt với cơn bão số 5 khủng khiếp. Con số của Cục thống kê cho thấy, năm 1998 tỉ lệ hộ nghèo ở Bạc Liêu lên đến trên 20%.
Nhận diện rõ khó khăn, mạnh dạn đổi mới, đặc biệt, với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã mang lại những kết quả tích cực, theo chiều hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đều tăng: Năm 2016 tăng 12,16%, năm 2017 tăng 16,35%...
Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay với 10,61% và xếp thứ 2/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người, tăng 16,91% so với năm 2018; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 22.925 tỉ đồng, tăng 27,02% so với năm 2018; sản lượng tôm đạt 155.000 tấn, xếp thứ 2 cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh với 2,92%, kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,38%, xếp thứ 2/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL.
Hướng tới “trung tâm” của đồng bằng
Với quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm của vùng Bán đảo Cà Mau, trung tâm năng lượng tái tạo, đặc biệt là trung tâm ngành tôm công nghiệp gắn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các kịch bản và tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu tổng quát trở thành tỉnh có nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, mô hình tăng trưởng hiệu quả và giá trị gia tăng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý, năng suất lao động cao; nông nghiệp hiện đại, sinh thái, công nghệ cao và quản trị tốt, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt công nghệ toàn vùng và cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao; trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và điểm đến hấp dẫn du lịch của khu vực ĐBSCL; kinh tế biển phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của người dân; liên kết hiệu quả với các địa phương trong tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bạc Liêu xác định 5 trụ cột phát triển: Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch cao cấp; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nhân lực, giáo dục, y tế gắn bó chặt chẽ với các trụ cột kinh tế ưu tiên…
Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ về phát triển hạ tầng, thể chế, quy hoạch, chính sách, đầu tư; phát triển liên kết với vùng, quốc gia về phát triển công nghiệp dựa vào nông nghiệp kết hợp với quy hoạch không gian điều phối và sử dụng nước; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, trên cơ sở liên kết tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và ĐBSCL…