Cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Tháng 12.2022 có một sự kiện rất đặc biệt với ngành thuỷ sản Việt Nam. Đó là lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản đạt con số cao kỷ lục 10 tỉ USD. Thành tích ấn tượng này đã đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Theo nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP, bức tranh những tháng đầu năm khá sáng, nhưng bắt đầu chững vào cuối năm sức mua giảm, lãi suất tăng, tỉ giá biến động. Kinh tế thế giới bước vào suy thoái, lạm phát cao đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn cầu.
Theo TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX) Việt Nam, cái khó cho doanh nghiệp không đơn thuần là đơn hàng, là việc làm, là thu nhập người lao động khi Tết tới. Các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho thì lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn. Giải pháp không ai muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền.
Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Các doanh nghiệp này thiếu đơn hàng khá trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động.
Kinh tế năm 2023 có sáng hơn?
Trong câu chuyện đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng và lương thực vẫn chưa thể kết thúc sớm;
Đồng thời những căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường;
Sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; việc tiếp cận thị trường và nguồn vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn...
"Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận, nhưng các chỉ số tăng trưởng đã có những dấu hiệu chậm lại trong những tháng cuối năm 2022.
Các tác động của kinh tế toàn cầu đối với đất nước là rất rõ rệt khi độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng lớn sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra", ông Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Về giải pháp, trưởng ngành công thương cho rằng, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đồng thời rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.
Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.