Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính tới cuối tháng 2.2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.
Rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi, nợ xấu hai lĩnh vực này tăng nhanh.
Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập, chiếm 79,6%, nhưng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, tỉ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng.
Đáng lưu ý, NHNN cảnh báo, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021 có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch.
Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng.
Báo cáo của FiinGroup cho biết, lợi nhuận sau thuế ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV) tăng nhờ tín dụng tăng và biên lãi ròng được duy trì.
Với nhóm ngân hàng cổ phần, vốn có tỉ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao (bao gồm Techcombank), tăng trưởng lợi nhuận tại không ít ngân hàng giảm tốc do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, riêng Sacombank và ACB có lợi nhuận tăng mạnh.
Tuy nhiên, tín dụng tăng rất thấp, thậm chí giảm ở một số ngân hàng bán lẻ như ACB, VIB. Thống kê của Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, quý I/2023, tăng trưởng trung bình lợi nhuận trước thuế của 25 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt xấp xỉ 6%, chậm lại đáng kể so với mức tăng xấp xỉ 30% của cùng kỳ.
Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, với nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến mức lo ngại. TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng toàn hệ thống vào cuối năm 2022.
Về triển vọng lợi nhuận, năm nay, dư địa tăng trưởng của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng khi các kênh đầu tư ngoài lãi khác khó có khả năng đột biến. Tỉ suất sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tốt. Đây là mức sinh lời giúp ngành ngân hàng có thể “xóa sạch” nợ xấu bất động sản, trái phiếu nếu nợ xấu hai lĩnh vực này tăng đột biến.
Chính vì vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng, áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý.
Bên cạnh đó, hiện nay, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng có khả năng xử lý nợ xấu trong vòng 1-1,5 năm. Hơn thế, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực nợ xấu và dự phòng nợ xấu. Với triển vọng này của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.