Ngày 28.9.2018, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số tiêu dùng tháng 9.2018 và cho biết, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá: Nhóm giáo dục tăng 5,07%; giao thông tăng 0,82%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,2%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,08%.
Các nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 9.2018 do trong tháng 9 có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2018-2019 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm tăng CPI chung 0,3%. Giá xăng dầu bình quân tháng 9.2018 tăng 1,87% so với tháng trước làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,82% khiến CPI tháng 9 tăng khoảng 0,08%.
Từ ngày 1.9.2018 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg tăng 2,68% so với tháng 8.2018 do giá gas thế giới bình quân tháng 9.2018 công bố ở mức 617,5 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng trước.
Giá thịt lợn tháng 9 có mức tăng chậm hơn, chỉ tăng 0,65% so với tháng 8.2018 do tháng này bắt đầu đến kỳ xuất chuồng (ước tính đến tháng 9.2018, tổng đàn lợn tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2018 ước đạt 2,7 triệu tấn, chỉ còn giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên sau khi Bộ NNPTNT ký công văn tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Ba Lan và Hungary nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng nhẹ.
Do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét nên giá thực phẩm ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng làm cho chỉ số giá nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 0,55%, thủy sản tươi sống tăng 0,49%, rau tươi, khô và chế biến tăng 1,82%.
Trong tháng có kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng làm chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng đầu năm CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9.2018, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7.2018 lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Từ tháng 8.2018 đến tháng 9.2018 tốc độ CPI bình quân đã tăng chậm lại từ 3,53% (bình quân 8 tháng) lên mức 3,57% (bình quân 9 tháng) chỉ tăng 0,04% do mặt bằng giá tháng 8 và tháng 9 năm 2017 ở mức cao.