Ngay trong công văn gửi Bộ GTVT đề nghị can thiệp việc chậm trả nợ của Hamadeco - đơn vị khai thác - vận hành hầm đường bộ Hải Vân- Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cũng ghi rõ: "Đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến lưu thông huyết mạch của cả nước, nên PC Đà Nẵng không thể ngừng cung cấp điện theo luật Điện lực...". Vì vậy, công văn của Điện lực Đà Nẵng cũng chỉ hối thúc thu nợ, đề nghị Bộ GTVT có giải pháp hỗ trợ để Hamadeco thanh toán tiền điện.
Vậy vì sao Cty CP Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) lại "dọa" đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân?
Theo lý giải của Cty CP Đèo Cả là phương án tài chính của Cty này có nguy cơ vỡ bởi Bộ GTVT chưa cho phép thu phí qua hầm đường bộ Hải Vân theo hợp đồng BOT với Cty Đèo Cả.
Từ 2012, khi ngành Đường bộ Việt Nam tổ chức thu phí đường bộ theo "đầu xe", thông qua việc đăng kiểm, các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đều ngừng thu - trừ các dự án BOT. Hầm đường bộ Hải Vân cũng không thu phí từ thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi có dự án mở rộng hầm lánh nạn (Hải Vân 2) thành hầm giao thông thứ 2 với hình thức BOT, tổng đầu tư hơn 8.500 tỉ đồng, Cty CP Đèo Cả đã ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, theo đó được thu phí qua hầm đường bộ Hải Vân từ 1.1.2017. Việc thu phí này cũng nhằm mục đích có thêm kinh phí cho dự án nâng cấp, sửa chữa, vận hành hầm đường bộ Hải Vân 1- hầm cũ (khoảng 1.500 tỉ đồng).
Trong khi đó, 2 hầm đường bộ liền kề phía bắc Hải Vân là Phước Tượng và Phú Gia cũng vừa hoàn thành, đã tận dụng trạm bắc Hải Vân để thu phí. Nếu Bộ GTVT cho phép Cty Đèo Cả thu phí trạm phía nam Hải Vân, nghĩa là chỉ cách nhau chưa đầy 10km thì sẽ vi phạm chính quy định của Bộ này (các trạm thu phí BOT cách nhau ít nhất 70km). Cty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT và Cty Đèo Cả cũng được Bộ GTVT cho tính phương án thu phí chung cho cả 3 hầm đường bộ tại 1 trạm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Đây mới chính là lý do gây nguy cơ vỡ phương án tài chính của Cty CP Đèo Cả; cũng chính là lý do DN này "dọa" đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân 1.
Xin nhắc lại, Cty CP Đèo Cả đã từng "ứng trước" tiền của nhân dân để xây dựng hầm Cổ Mã và đèo Cả. Trong khi đến cuối năm 2017, dự án hầm đường bộ đèo Cả và Cổ Mã mới hoàn thành, khai thác, nhưng Cty CP Đèo Cả đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho phép thu phí trước tại tại 2 trạm Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa) gần 6 năm - từ năm 2012 để phục vụ dự án.
Đây không phải là lần đầu tiên, Cty CP Đèo Cả "dọa" đóng cửa hầm đường bộ huyết mạch Hải Vân. Thiếu 2,6 tỉ tiền điện lần này cũng chỉ là cái cớ để DN này "yêu sách", đòi Bộ GTVT, Tài chính cho phép thu phí hầm đường bộ Hải Vân 2 trước khi hoàn thành như từng thực hiện thành công tại hầm Đèo Cả?