Tại hội thảo, TS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch nhấn mạnh các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm du lịch của du khách quốc tế gồm: Thuận tiện tiếp cận điểm đến, các sản phẩm và dịch vụ du lịch phải hấp dẫn và cuối cùng là về môi trường, thiên nhiên, văn hoá thu hút khi xu hướng hiện nay yêu thích việc đến các vùng hoang sơ, trải nghiệm giá trị nguyên bản của thiên nhiên.
“Việt Nam hiện sở hữu 8 di sản vật thể, 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản… Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều bãi biển tầm cỡ quốc tế, các giá trị văn hoá, ẩm thực và du lịch không thua kém các nước trong khu vực. Có thể nói Việt Nam sở hữu nhiều ưu thế, tiềm năng rất lớn để có thể thu hút khách du lịch quốc tế” TS. Phạm Trung Lương cho biết.
Hội thảo còn ghi nhận nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả đến từ các doanh nghiệp hàng không - du lịch - lưu trú. Ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng Giám Đốc Vietjet cho rằng với những tiềm năng của du lịch Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể thu hút lượng khách du lịch quốc tế lớn hơn và bứt phá để trở thành điểm đến hàng đầu khu vực. “Vietjet cam kết sẽ tăng tần xuất các chuyến bay đến các điểm đến du lịch trong và ngoài nước, sẵn sàng cùng các địa phương, doanh nghiệp tăng cường hợp tác, tham gia vào các liên kết du lịch, phối hợp với các tổ chức xúc tiến nước ngoài nằm tạo liên kết chặt chẽ về du lịch, thương mại cùng lan toả những thông điệp truyền thông xuyên suốt trong nước và quốc tế cho du lịch Việt Nam.”
“Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Vietjet tiên phong mở lại các đường bay đưa khách du lịch quốc tế đến với Phú Quốc, trở lại Việt Nam, mở thêm nhiều đường bay mới bên cạnh những đường bay được khôi phục khắp khu vực. Vietjet cũng là hãng hàng không tiên phong mở loạt đường bay thẳng từ các thành phố Việt Nam đến với những trung tâm đô thị lớn nhất của thị trường 1,4 tỷ dân Ấn Độ, và đưa Việt Nam giờ đây trở thành một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ và thu hút với rất nhiều du khách Ấn Độ. Trong năm 2022, Vietjet đã chuyên chở 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay.” Ông Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh. Đại diện Vietjet cũng chia sẻ các kế hoạch mở thêm nhiều đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với Melbourne, Sydney, Brisbane (Úc) hay nhiều điểm đến khác tại Đông Bắc Á, Ấn Độ...
Ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng Giám Đốc Vietjet cho biết việc chưa đón khách quốc tế trở lại là điểm nghẽn cho việc phục hồi du lịch Việt Nam. Để đón khách du lịch quốc tế thuận lợi hơn, Việt Nam cần sớm triển khai các chính sách thị thực thông thoáng hơn, cấp thị thực điện tử cho nhiều nước hơn, bao gồm cả các du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử, cũng như tiến tới miễn thị thực cho du khách Úc, khối Schengen...
Bên cạnh các để xuất mở rộng danh sách miễn thị thực, tăng thời gian lưu trú và các điêu kiện về thị thực, xuất nhập cảnh khách, các doanh nghiệp nhận định Việt Nam có thể phát triển đến các hình thức kinh doanh lịch tiềm năng như du lịch sức khoẻ, du lịch mua sắm, giải trí hay trước tiên là cải thiện trải nghiệm của du khách thông qua việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất du lịch tại địa phương.
Các số liệu chỉ ra rằng trong năm 2019, Việt Nam chào đón 8 triệu khách trong đó hàng không Việt Nam tổ chức 72 đường bay từ 5 điểm Việt Nam đến 48 điểm đến của Trung Quốc, các số liệu trên cho thấy Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của du lịch Việt Nam.
Theo ông Bùi Minh Đăng - Phó trưởng phòng vận tải hành khách, Cục hàng không Việt Nam, trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid, Cục vẫn thực hiện các dự án cải tạo, đầu tư vào các sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, tạo cơ sở quan trọng tiếp đón nhiều du khách quốc tế, ông cũng cho rằng con số 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 khá khiêm tốn.
Nhiều ý kiến cho rằng để du khách trải nghiệm du lịch và quyết định có quay trở lại Việt Nam hay không lại là nhờ các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, “nút thắt visa” là cánh cửa đầu tiên đưa du khách đến Việt Nam và một chính sách thông thoáng, cởi mở là giải pháp hiệu quả để thu hút du khách quốc tế, góp phần đưa du lịch - hàng không quay trở lại vị thế vốn có trong khu vực và thế giới.