Muốn trữ dầu, kho chứa phải đảm bảo
Trước đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động xấu tới toàn bộ nền kinh tế, khiến việc sản xuất đình trệ, lượng hàng tồn kho quá nhiều nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị tạm dừng nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước gây nên nhiều quan điểm trái chiều.
Đại diện PVN cho biết, kịch bản mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, chờ thị trường ấm lại đã từng được PVN tính tới khi giá dầu ở ngưỡng 20 USD/thùng.
Song biến động thị trường rất khó lường, việc dự trữ cần tính toán cẩn trọng về hiệu quả kinh tế và đặc biệt phải tính đến khả năng tồn chứa của các kho dự trữ đến đâu.
Quan điểm của PVN cho rằng, tàng trữ xăng dầu không như những hàng hoá khác cứ rẻ thì mua về trữ lại đợi giá cao thì bán, do kho chứa xăng dầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, công suất các kho chứa cũng có giới hạn phù hợp với nhu cầu xăng dầu trong nước trong điều kiện tiêu thụ bình thường, để đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Đó là lý do mà các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới đã phải hạ giá thấp, thậm chí chấp nhận bán mức “giá âm” để đẩy hàng, giảm tồn kho xăng dầu vì chi phí thuê kho dự trữ, hay ngừng khai thác, đóng cửa/mở lại một giếng khoan dầu không dễ dàng và sẽ thiệt hại hơn nhiều lần việc bán dầu giá rẻ.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp xăng dầu thế giới đang tìm mọi cách để đẩy hàng, giảm tồn kho thì việc nhập khẩu xăng dầu của nước ta thời gian qua lại tăng, là một nghịch lý, tạo thêm sức ép cho tiêu thụ xăng dầu trong nước, đẩy các nhà máy lọc dầu trong nước vào tình trạng khó khăn hơn khi đối mặt với khủng hoảng kép.
Đảm bảo lợi ích 4 bên
Trong khi tranh luận về việc dừng hay tiếp tục nhập khẩu xăng dầu còn chưa phân định, Bộ Công Thương cho biết chưa thể nói chuyện cấm nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm hiện tại. Hướng tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy lọc dầu được Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải có các giải pháp tổng thể trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp sản xuất – Doanh nghiệp kinh doanh – Người tiêu dùng. Đồng thời, giải pháp phải “phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết” nên Bộ chưa đề cập đến hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu.
Ở khía cạnh người tiêu dùng, với các công cụ điều tiết của Nhà nước như hiện nay, PVN cho rằng việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu không làm giảm đi hiệu quả tổng thể của các đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.