15/15 doanh nghiệp đồng lòng giảm giá lợn hơi
Sáng 1.4.2020, giá lợn hơi của các Công ty C.P, Dabaco, Japfa, Hòa Phát, Mavin đã đồng loạt được đưa về mức 70.000 đồng/kg. Tối qua (31.3.2020), ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã ký văn bản thông báo giảm giá lợn hơi ở mức 5.000 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các khách hàng của C.P từ 1.4.2020.
“Đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cả xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chúng tôi sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích của doanh doanh nghiệp vì cộng đồng, thực hiện giảm giá lợn hơi để hỗ trợ người tiêu dùng, đồng hành cùng Chính phủ trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Tương tự, công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng ra văn bản thống nhất áp dụng mức giá bán lợn thịt tại các công ty chăn nuôi lợn của Tập đoàn với mức giá bình quân 70.000 đồng/kg. Theo đó, từ sáng nay, giá lợn hơi của Dabaco được giảm thêm 5.000 đồng/kg.
Theo ông Đào Mạnh Lương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin, trong tình hình hiện nay, trách nhiệm của doanh nghiệp lớn cũng như hộ chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, bình ổn giá để cung cấp sản phẩm ra thị trường với mức giá phù hợp, giúp cho người tiêu dùng có được sản phẩm thịt lợn với mức giá hợp lý.
"Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần phải chung tay để giảm bớt khó khăn và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng" - ông Đào Mạnh Lương nêu ý kiến.
Tiểu thương lợi dụng COVID-19 để ghim giá thịt lợn
Mặc dù giá lợn hơi của các doanh nghiệp đã giảm 5 giá, xuống mức 70.000 đồng/kg, nhưng sáng 1.4.2020, khảo sát tại các chợ cho thấy, giá thịt lợn vẫn gần như không giảm.
Tùy từng khu vực, giá thịt lợn phổ biến vẫn ở mức 150.000- 170.000 đồng/kg. Tại một số khu chung cư, những sạp bán thịt lưu động còn bán với mức cao hơn. Chị Nguyễn Thị Hải (ngõ 122 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Lợi dụng chỉ thị cách ly toàn xã hội, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại ngõ này còn bán thịt với mức 300.000 đồng/kg.
“Đây là một mức giá rất vô lương tâm. Vừa bán thịt với giá “trên trời”, lại lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh” – chị Hải bức xúc nói.
Lý giải lý do tại sao giá thịt lợn vẫn ở mức 140.000-160.000 đồng/kg, có loại lên đến 180.000 đồng/kg, bà Lê Thị Bảy (kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa, Hà Nội), phân trần: Các doanh nghiệp nói giảm giá lợn hơi, nhưng giá lợn mảnh bán tại chợ vẫn ở mức 110.000 đồng/kg, cao hơn mức thông thường 10.000 đồng/kg. Với giá nhập cao như vậy, nếu bán thấp hơn người kinh doanh sẽ bị lỗ.
“Nếu giá lợn mảnh nhập vào ở mức 90.000 đồng/kg, chúng tôi có thể bán lẻ với mức 110.000-120.000 đồng/kg. Nhưng giá bán buôn cao như hiện nay, nếu bán với giá này tiểu thương sẽ sạt nghiệp, bởi xung quanh miếng thịt lợn bán ra, còn bao nhiêu loại thuế, phí, tiền thuê mặt bằng, tiền đóng góp quỹ xã hội, điện nước, thậm chí bù đắp những ngày ế ẩm…”- bà Bảy chia sẻ.
Đại diện một siêu thị tại Hà Nội cũng chung tâm sự: Mặc dù mua lợn hơi tận gốc, nhưng để bán thịt tại siêu thị, bao chi phí như điện nước, kho lạnh, chi phí nhân công, khấu hao tài sản… cao hơn chi phí ở các chợ dân sinh rất nhiều. Người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận ăn thịt giá cao hơn 1 chút, nhưng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được bảo quản trong phòng lạnh, sạch sẽ, không có ruồi muỗi, công trùng…
Nêu ý kiến về giải pháp để giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng có giá hợp lý, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa giá bán lợn hơi và giá bán thịt lẻ hiện nay, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định: Phải bỏ bớt khâu trung gian, bởi cứ qua 1 cầu trung gian, người tiêu dùng sẽ phải chi thêm 5.000-10.000 đồng/kg.