Cần điều chỉnh sớm hơn
Theo đó, nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa được giảm mạnh nhất, lên đến 50% so với quy định trước đây, như: Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa; 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Nhiều DN vận tải cho rằng, chính sách này nên được thực hiện sớm hơn, hỗ trợ đúng thời điểm, nhất là trong giai đoạn giá xăng dầu “leo thang” căng thẳng cách đây nhiều tháng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền - cho rằng, từ khi Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt, Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực hồi tháng 6.2022, thời điểm mà xăng dầu đang “lập đỉnh”, thì 3 tháng sau Bộ Tài chính mới đưa ra dự thảo Thông tư để lấy ý kiến, rồi cuối tháng 9 mới ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và chỉ áp dụng trong 3 tháng cuối năm nay.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng, mỗi lần điều chỉnh giá cước phải tốn một khoảng chi phí cho việc kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Do đó, để tạo thuận lợi cho các DN vận tải giảm giá cước, ngoài việc giảm phí, lệ phí thì cần rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều kiện nào không cần thiết, không phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Vận tải đường bộ vẫn cõng nhiều loại phí
Theo các chuyên gia, Thông tư số 59 giúp giảm nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa, trong khi với các doanh nghiệp vận tải đường bộ vẫn đang mong tiếp tục giảm phí bảo trì đường bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện DN vận tải đường bộ phải gánh rất nhiều loại chi phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ dù có hoạt động hay không cũng phải đóng. Theo quy định, các xe ngừng hoạt động từ 3 - 6 tháng mới được làm đơn đăng ký miễn phí bảo trì đường bộ. Trong khi đó, thủ tục hành chính lại nhiều và chỉ xét duyệt trên từng xe, nên muốn được giảm phí không hề dễ dàng.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã từng kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thêm phí sử dụng đường bộ cho doanh nghiệp vận tải thêm 3 tháng để hỗ trợ thêm một phần cho doanh nghiệp vận tải bớt khó khăn. Cùng đó, trong Thông tư số 59, mảng vận tải thuỷ nội địa được giảm nhiều khoản phí, lệ phí, tuy nhiên điều làm cho doanh nghiệp còn trăn trở là được giảm khoản phí này nhưng hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi, như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container.…
Các phí này làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn.