Như Báo Lao Động phản ánh, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tới nay, giá đất tại khu vực xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) phát sốt khi trở thành tụ điểm xây dựng hàng loạt farmstay. Với khuôn viên rộng hàng nghìn m2, nhiều chủ đầu tư tại đây đã mạnh tay thiết kế farmstay kết hợp với các mô hình lưu trú qua đêm như bungalow (nhà có diện tích nhỏ gọn), villa, biệt thự vườn hồng với chi phí lên tới hàng tỉ đồng.
Nắm bắt cơ hội làm giàu, nhiều môi giới bất động sản tại các huyện lân cận TP.Hà Nội còn mạnh tay rao bán các khu đất, hệ thống farmstay với mức giá từ 7 - 12 triệu đồng/m2, rao bán những mảnh đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất nông nghiệp. Điều đáng nói, việc rao bán đất tràn lan này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như sốt đất ảo, xây dựng trái phép nở rộ, thị trường bất động sản phát triển thiếu bền vững.
Mới đây ông Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cũng đã nêu vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc về tình trạng xây dựng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng homestay, farmstay đang được phát triển rộng tại các địa phương nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể để có điều chỉnh, dẫn đến nhiều sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời gian vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, pháp lý các dự án farmstay đang khá lỏng lẻo vì đa phần là đất hỗn hợp, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không được công nhận là mô hình du lịch nghỉ dưỡng nên sẽ rất khó để được tách, cấp sổ đỏ. Theo ông Hiếu, các chủ đầu tư farmstay thường đưa ra cam kết lợi nhuận cao để hút khách nhưng thực tế làm được hay không thì chưa rõ. Với hợp đồng góp vốn, rủi ro đã được đẩy về phía người mua. Trong trường hợp dự án farmstay có pháp lý không rõ ràng, đất nằm trong quy hoạch, không được cấp phép làm du lịch nghỉ dưỡng thì coi như người mua sẽ có thể mất trắng.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trước sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này, thay vì cấm hoàn toàn, chúng ta nên tận dụng nó để phát triển du lịch và bất động sản du lịch bằng cách xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động cho loại hình này. Nhưng trước mắt cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng các cá nhân, tổ chức tự ý phân lô đất rừng, đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch không phép, bán và huy động vốn trái phép các lô farmstay cho nhà đầu tư.
Đề cập đến nội dung nêu trên, luật sư Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty Luật TNHH Wonlaw - cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định về “Phân loại đất” thì đối với đất thực hiện các dự án homestay, farmstay được phân loại là nhóm đất phi nông nghiệp.
Khi nhà đầu tư có nhu cầu muốn sử dụng mảnh đất nông nghiệp này để làm farmstay hoặc homestay, dùng cho khách tham quan, du lịch và lưu trú thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (đối với farmstay thì cần chuyển đổi phần xây dựng nhà, lán, trại). Trong trường hợp này nếu chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép thì sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định số 91/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Căn cứ theo Điều 9,10,11 Nghị định số 91/2019, hành vi phạm sử dụng đất trái mục đích có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng đất ban đầu, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Quang Trung, vấn đề siết chặt và ra các quy định hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động dịch vụ homestay và farmstay là rất cần thiết bởi xu hướng hiện nay của giới trẻ và các gia đình rất chuộng hình thức du lịch, trải nghiệm này. Do vậy, xem xét cấp phép cho những nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật nhằm hạn chế việc đã đầu tư xong nhưng không được phép hoạt động hoặc bị buộc tháo rỡ gây tổn thất lớn về kinh tế. Chính quyền ở địa phương cũng cần siết chặt quản lý về đất đai, ngăn chặn kịp thời những vụ xây dựng trái phép.