Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu, số ngân hàng để mức lãi suất trên 7% là rất ít.
Đáng chú ý, 4 ngân hàng nhóm BIG4 đồng loạt đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,5%/năm - mức lãi suất thấp nhất thị trường.
Hiện nay, các ngân hàng đang có mức lãi suất cao nhất bao gồm:
PVcomBank với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng có lãi suất lên tới 11%/năm.
Tuy nhiên, khách hàng phải gửi mới từ 2.000 tỉ đồng trở lên tại quầy, áp dụng cho sản phẩm lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngoài ra, hiện DongABank cũng là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường lên tới 8,3% ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên.
Đáng chú ý, có Oceanbank là ngân hàng duy nhất ghi nhận mức tăng lãi suất 0,1% tại kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng.
Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty Dữ liệu WiGroup, lãi suất huy động đã giảm về mức "không thể giảm thêm nữa". Đây là mức lãi suất phù hợp với mức lạm phát bình quân của VN 2023-2024, khoảng 3-4%. Chính vì vậy, "nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động mạnh hơn nữa, rất có thể sẽ tạo áp lực lên việc huy động vốn vì lãi suất thực không còn đủ hấp dẫn với người dân".
Bên cạnh lãi suất huy động giảm, các ngân hàng cũng tung ra một loạt các gói ưu đãi vay vốn dành cho người dân và doanh nghiệp cả trong lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng chỉ giảm nhẹ.
Tại MBBank, vay mua nhà dự án cho vay lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, với lãi suất từ 6,8%.
Vietinbank cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn với lãi suất từ 6,3%, trong giai đoạn đầu ưu đãi.
Trên thực tế, một số ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi từ 6-8% cho người vay nhưng sau khi kết thúc thời gian ưu đãi, mức lãi suất sẽ được thả nổi theo thị trường bằng lãi suất tiền gửi cộng với biên 3-3.5.
Đơn cử như Vietcombank, cung cấp khoản vay mua BĐS với giá trị khoản vay lên đến 70% giá trị tài sản bảo đảm. Thời gian hoàn trả khoản vay lên đến 20 năm, với lãi suất 2 năm đầu là 8%, các năm tiếp theo lãi suất vay sẽ thả nổi bằng lãi tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%, nhưng sẽ không thấp hơn lãi suất sàn 10%.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam - cho biết: "Khi các ngân hàng thương mại muốn giảm lãi suất cho vay không khác gì việc các ngân hàng phải cắt đi một phần lợi nhuận của mình.
Tại các ngân hàng, nguồn thu nhập như đầu tư trái phiếu, hoặc bancassurance chiếm tỉ trọng rất cao trong thời gian trước, tuy nhiên, từ năm 2023, hai nguồn thu này tại các ngân hàng sụt giảm mạnh. Chính vì vây, các ngân hàng chỉ còn nguồn thu duy nhất là nguồn thu từ lãi suất cho vay".
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ xấu gia tăng, nên các ngân hàng cũng phải tăng lợi nhuận để có thể tăng chi phí dự phòng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, trong cuộc đua lãi suất, ngân hàng nắm quyền chủ động, chính các ngân hàng cũng là các doanh nghiệp vì vậy có những tính toán sao cho hợp lý.
"Hiện lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm từ từ chứ không thể xuống nhanh như lãi suất huy động" - ông Thịnh cho biết.