Thu nhập tăng gấp đôi nhờ nắng nóng
Cứ 10h mỗi ngày, Tăng Duy Anh (25 tuổi, Quận 5) lại "tắt app" chừng 10 phút để tranh thủ ăn vội bữa trưa được anh chuẩn bị trước ở nhà. Bởi sau khoảng thời gian này, một loạt đơn hàng sẽ liên tục "nhảy" về điện thoại, báo hiệu một buổi trưa tất bật của Duy Anh cũng như nhiều người làm nghề shipper khác.
Theo chia sẻ của Duy Anh, hơn 1 tháng nay, lượng khách đặt mua hàng online tăng "đột biến", trong đó hơn 80% là khách đặt đồ ăn trưa, giao đến các văn phòng, nhà trọ. "Có lẽ do nắng quá nên nhiều người ngại ra đường, thích đặt đồ ăn online nhiều hơn. Thông thường khách sẽ đặt đơn trong khoảng từ 11h - 12h, mỗi đơn hàng cũng mất khoảng 20 - 40 phút mới có thể giao cho khách", Duy Anh chia sẻ.
Cũng theo nam shipper 25 tuổi, việc gia tăng lượng khách mua hàng online trong mùa nắng nóng đã giúp thu nhập của anh tăng lên nhiều lần dù phí giao hàng (phí ship) không cao. "Trung bình mỗi ngày mình 'bỏ túi' khoảng 300.000 - 400.000 đồng từ việc giao hàng, tăng đáng kể so với thời điểm TPHCM chưa bước vào cao điểm nắng nóng".
Theo ghi nhận của PV Lao Động, vào khoảng trưa từ 10h30 - 12h, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng bán thức ăn nhanh, nước giải khát, cà phê, trà sữa... liên tục có shipper túc trực để lấy đơn và giao hàng cho khách.
Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ một quán nước giải khát trên đường Hàn Hải Nguyên (Quận 11, TPHCM) cho biết, do thời tiết nắng nóng nên lượng khách đến quán để uống nước giảm đáng kể, trong khi đó, lượng khách đặt online và yêu cầu giao tận nơi lại tăng cao, chiếm hơn 60% số lượng đơn mỗi ngày.
Nhiều mặt hàng "lên ngôi" mùa nắng nóng
Thực phẩm giải khát và các sản phẩm chống nắng đang ghi nhận mức tiêu thụ lớn trong tình hình thời tiết nắng nóng sẽ còn kéo dài liên tục trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, đường 3 tháng 2, nhiều quán nước giải khát lưu động liên tục mọc lên để phục vụ nhu cầu giải nhiệt của người đi đường trong những ngày này.
Tại quán nước giải khát của chị Trần Thị Mỹ Hiền trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), dù chỉ phục vụ cho khách hàng mua mang đi (take away) song mỗi ngày, quán chị bán được từ 200 - 300 ly nước, đỉnh điểm có những ngày bán tới 500 - 600 ly.
"Do không có không gian để đặt bàn ghế cộng với việc nắng nóng gay gắt nên tôi chỉ phục vụ mua mang đi thôi, may sao lại được nhiều khách hàng ủng hộ", chị Hiền nói.
Theo chị Hiền, thường lượng khách đông nhất sẽ rơi vào khoảng từ 10h - 12h, từ 14h - 16h và vào buổi tối, mỗi đơn hàng như vậy sẽ có khoảng 1 - 2 ly nước, thỉnh thoảng sẽ có cả những đơn lớn từ 10 - 15 ly.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm như áo choàng, váy chống nắng cũng "tăng nhiệt" theo thời tiết. Một chủ cửa hàng chuyên bán va-ly và sản phẩm chống nắng trên đường Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh) cho hay, các mặt hàng áo choàng, găng tay, váy chống nắng được "bán quanh năm", mỗi ngày hầu như đều có khách ghé mua, chủ yếu là các tài xế xe công nghệ.
"Doanh thu từ mặt hàng chống nắng những ngày gần đây có tăng, tuy nhiên không quá khác biệt so với thời điểm nắng dịu. Khách hỏi mua nhiều nhất là sản phẩm găng tay chống nắng và khẩu trang trùm đầu", chủ cửa hàng này chia sẻ.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, nắng nóng có xu hướng mở rộng hơn trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM và sẽ tiếp tục gia tăng hơn trong những ngày sắp tới, đi kèm là chỉ số UV tại các quận, huyện của TPHCM sẽ tăng lên ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Sau một thời gian nắng nóng gay gắt, nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm đang gia tăng nên nắng nóng bắt đầu có cảm giác oi bức rất khó chịu. Nhiệt độ dự báo trong các bản tin thời tiết thường thấp hơn nhiệt độ ngoài trời theo cảm nhận thực tế từ 2 - 4 độ C.
Trong thời gian gần đây, tại TPHCM đặc biệt ở các quận trung tâm, nhiệt độ ngoài trời có khi cao hơn nhiệt độ khí tượng đến 5 - 6 độ C và đạt mức nhiệt cao kỷ lục 43 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.