Thị trường tăng mạnh nhờ "món hời" đồng Yên tiếp tục suy yếu
Thị trường chứng khoán Tokyo cuối cùng đã lấy lại được “30 năm mất mát” khi số Nikkei 225 không ngừng tăng. Tính tới ngày 26.2, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng lên khi đóng cửa ở mức 39.233,71 điểm.
Theo trang tài chính Yahoo, tốc độ tăng của thị trường được đẩy nhanh một phần do dòng vốn đầu tư cá nhân đổ vào thông qua tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon NISA mới. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư bán cổ phiếu Trung Quốc và mua cổ phiếu Nhật Bản, Ấn Độ đã tăng lên do lo ngại ngày càng tăng về sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, vào tháng 1, các nhà đầu tư quốc tế đã mua 125,2 nghìn tỉ Yên cổ phiếu Nhật Bản, tăng gấp đôi so với một năm trước đó. Các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 2/3 hoạt động giao dịch tại Nhật Bản. Họ đổ xô vào thị trường bởi đồng Yên yếu hơn đô la Mỹ.
Trái ngược với dấu hiệu khởi sắc của các doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán tại Nhật Bản, theo tờ New York Times, sự tăng trưởng kinh tế tại nước này vẫn chưa ổn định. Những con số được công bố vào tuần trước cho thấy, nền kinh tế nước này bất ngờ suy giảm trong quý IV, so với mức tăng 3,1% của Hoa Kỳ.
Phần lớn thế giới đã tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng Nhật Bản lại giữ lãi suất ở mức thấp trong nỗ lực thúc đẩy lạm phát, thích can thiệp vào thị trường để ngăn chặn đồng tiền của nước này suy yếu quá nhanh hoặc lãi suất trái phiếu chính phủ tăng quá mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng mới bắt đầu phục hồi, ngân hàng trung ương đang cố gắng đánh giá thời điểm thích hợp để bắt đầu tăng lãi suất, hỗ trợ đồng Yên mà không dập tắt hoàn toàn lạm phát.
Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng dù nền kinh tế gặp thách thức
Theo dõi thị trường chứng khoán tại Nhật Bản, ông Fumio Matsumoto - chuyên gia chiến lược thuộc tập đoàn chứng khoán Okasan - cho biết: "Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục tăng và các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào".
Thị trường vẫn tiếp tục tăng, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 26.2, ông Keidanren Masakazu Tokura - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản - tuyên bố rằng: "Điều kiện để giá cổ phiếu tiếp tục xu hướng ổn định bao gồm việc thực hiện vững chắc chu kỳ tăng trưởng và phân phối đúng đắn của các doanh nghiệp".
Ngoài ra, ông Tokura cũng cho biết, các yếu tố góp phần khiến giá cổ phiếu tăng cao bao gồm việc chuyển vốn sang Nhật Bản do nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của các công ty xuất khẩu do đồng Yên yếu hơn.
Trong bối cảnh đồng Yên suy yếu, thị trường chứng khoán tăng mạnh, ông Ryota Abe - chuyên gia kinh tế tại Singapore - cho hay: “Đó là tin tốt, nhưng tôi nghĩ rằng, có một luồng gió mạnh từ kết quả của Nvidia. Trong tương lai, Nikkei sẽ biến động trong ngắn hạn do cuộc chiến giữa những người chốt lời và những người mong đợi nó sẽ tăng cao hơn lên 40.000 điểm. Tuy nhiên, áp lực mua mạnh hơn áp lực bán.
Ông Ryota Abe cũng cho rằng, đồng Yên yếu sẽ giúp các công ty Nhật Bản cải thiện kết quả tài chính trong quý tới. Đồng thời, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản quyết định tăng lương nhiều hơn năm ngoái.
Đồng quan điểm với ông Ryota Abe, ông Tohru Sasaki - chiến lược trưởng tại tập đoàn tài chính Fukuoka - nhận định: "Đỉnh Nikkei là một mức ấn tượng và mang tính lịch sử, nhưng về mặt kinh tế, nó không có nhiều ý nghĩa. EPS đang tăng do đồng Yên yếu và lạm phát. Mức đỉnh này vào năm 1989 và bây giờ hoàn toàn khác.
Tôi vẫn giữ quan điểm đồng Yên sẽ tiếp tục giảm. Nếu đồng Yên tiếp tục mất giá thì EPS có thể tăng cao hơn nữa. Đồng thời, chỉ số Nikkei vẫn còn rất nhiều khả năng tăng giá".