Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ các năm 2021 và 2022, Việt Nam đều đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm 2,4% (2021) và 2,5% (2022) tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu.
Cục Chăn nuôi cho biết thêm về tình hình giết mổ, chế biến và tiêu thụ thịt lợn trong nước. Theo đó, trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới thì Việt Nam cũng đứng thứ 6 với tỉ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4%.
Điều này được hiểu là sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn.
Với hơn 3,1 triệu tấn thịt xẻ quy đổi năm 2022 cùng với 114 nghìn tấn thịt xẻ nhập khẩu thì lượng thịt lợn xẻ bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 32kg thịt lợn xẻ /người/năm (năm 2021 khoảng 30 kg thịt lợn xẻ/người/năm).
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, giết mổ tập trung của Việt Nam thời gian qua vẫn còn khá thấp. Năm 2022, tỉ lệ đầu con được giết mổ có kiểm soát đối với trâu, bò khoảng 16,1%; đối với lợn khoảng 22,7% và gia cầm chỉ đạt 16,1% so với tổng số con xuất chuồng.
Theo số liệu của Cục Thú y, số lượng lợn được giết mổ tập trung năm 2022 là hơn 11,5 triệu con. Từ đầu năm 2023 đến này là gần 9 triệu con. Tính đến nay, cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung nhưng có tới 24.654 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Đối với cơ sở chế biến, đến hết năm 2022, cả nước có 108 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng trên 1,3 triệu tấn thịt (chiếm khoảng 20-22% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước).
Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng thấp chiếm 80 - 85% (chế biến đơn giản, sơ chế) và các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (thịt hun khói, giăm bông, xúc xích, lạp xường...) chỉ chiếm khoảng 15 - 20%; sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát mới chỉ chiếm khoảng 10%.
Về kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi đến nay, cả nước có 108 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và thương mại, hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và khoảng 1.700 chuỗi cửa hàng nông sản an toàn và hơn 9.000 chợ truyền thống.