Nhiều “đại gia” muốn nhảy vào ngành hàng không: Nên mở cửa vì còn dư địa

KHÁNH HOÀ |

Việc nhiều đại gia xin đầu tư hạ tầng hàng không hay Tập đoàn FLC lập hãng hàng không mới được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu đáng mừng và cơ quan chức năng nên tạo cơ chế để mở cửa cho hàng không “cất cánh”.

Lĩnh vực hấp dẫn và chưa mở cửa nhiều

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia Phạm Sanh đánh giá việc FLC mở hãng hàng không hay việc Air Asia lần thứ 4 tính chuyện thâm nhập thị trường Việt Nam là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sức hấp dẫn của ngành này. Trên thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế - văn hoá, nhu cầu đi lại của người dân cũng như khách nước ngoài đến và đi từ Việt Nam ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã quá lạc hậu và chỉ có hy vọng được thay đổi thực sự sau năm 2030 trong khi đường bộ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn với những tuyến có cự ly dài hơn 500km. 

Do đó, ngành hàng không trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Chuyên gia này cho rằng hạ tầng tại Việt Nam không hề yếu vì đã kế thừa và cải tạo nhiều sân bay và sắp tới chỉ cần nâng cấp, mở rộng thêm là có thể đáp ứng nhu cầu.

Cùng quan điểm, một chuyên gia ngành giao thông khác cho rằng hạ tầng sân bay tại Việt Nam mới chỉ quá tải chủ yếu ở Tân Sơn Nhất và một phần là do quản lý, quy hoạch chưa ổn nên chỉ cần dự báo trước, đưa công nghệ vào và tư nhân hoá quản lý, sân bay tại Việt Nam sẽ không đến nỗi quá tải. 

“Hiện nay, đất ngon đâu còn, lĩnh vực bất động sản với các resort không còn dễ ăn, nên các đại gia nghĩ qua lĩnh vực giao thông và tính bài toán có lợi nhuận nhiều, dễ làm ăn. Mảng sân bay, nhà ga, dịch vụ mặt đất còn chưa mở cửa nhiều do mình còn lo ngại vấn đề an ninh. Tuy nhiên, phải nói rằng đây là lĩnh vực hấp dẫn, cơ hội đầu tư còn, nhưng hiện thiếu khung pháp lý, ít nhiều còn yếu tố bao cấp DNNN nên chưa phát triển đột phá” - chuyên gia này nhận định.

Né các điểm nóng quá tải, cơ hội sẽ còn

Ngày 1.6, trả lời PV Báo Lao Động, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không, Bộ GTVT - đánh giá việc FLC cũng như một số nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực hàng không là dấu hiệu tốt cho thấy hàng không đang phát triển mạnh. Liên quan tới việc FLC, Vietstar hay Air Asia muốn bay tại Việt Nam, ông Cường cho biết cần phải trải qua 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, các DN phải xin phép chủ trương đầu tư và nếu được Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng ý thì mới bắt đầu làm đề án. 

Sang giai đoạn 2, đề án lập hãng hàng không sẽ được thực hiện theo Nghị định 92 là kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và chuyển đề án lên Cục Hàng không thẩm định, sau đó Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT rồi Bộ báo cáo Thủ tướng và người quyết định cuối cùng là Thủ tướng. Trong ngành hàng không, có hai lĩnh vực gồm xây cảng hàng không sân bay và vận tải hàng không, cả hai lĩnh vực này muốn tham gia đều phải có sự đồng ý của Thủ tướng.

Trước đây, đề án của hãng hàng không Vietstar bị từ chối do vấn đề hạ tầng và chỉ xem xét sau khi mở rộng Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không, nếu FLC hay các hãng bay khác “né” Tân Sơn Nhất thì có thể sẽ “không có vấn đề gì”. Còn về phần mình, lãnh đạo tập đoàn FLC cho biết sẽ nhắm tới các đường bay từ quốc tế đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc thay vì các điểm nóng quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài.

Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng - TGĐ Cty TNHH Hàng không Tre Việt, Tập đoàn FLC - cho biết Viet Bamboo Airlines là Cty sở hữu đối với hãng hàng không có tên thương mại chính xác là Bamboo Airways. Bamboo Airways có số vốn điều lệ 700 tỉ đồng, mức vốn tối thiểu để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang… và các đường bay trong nước, nhằm kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn.

Bên cạnh việc nhắm tới phân khúc vận tải, FLC không che giấu tham vọng gia nhập sân chơi đầu tư nâng cấp các sân bay hay lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay của Việt Nam vốn còn bó hẹp. Tuy nhiên, đại diện tập đoàn này thừa nhận hàng không là ngành nghề đặc thù, đòi hỏi có diện tích lớn để thành lập các hang-ga, nhà kho cho tàu bay và kỳ vọng có thể cất cánh vào cuối năm 2018. 

Liên quan tới vấn đề thủ tục, FLC cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways và dự kiến trong tháng 6 này, sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ GTVT) để xin phê duyệt. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho phép, chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc...”.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển, đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không, trong đó có 10 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa. Hiện tại, Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiếm tới gần 75% lưu lượng khách. Sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế. Tuy nhiên, một số sân bay địa phương lại có công suất thấp như Phú Quốc chỉ hoạt động gần 38% công suất…

Cuối tháng 3, hãng hàng không giá rẻ Air Asia đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để tiến tới lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Trước đó, hãng hàng không Vietstar Airlines liên tục thực hiện các thủ tục xin cấp phép bay, nhưng chưa được chấp thuận do hạ tầng quá tải. Còn Vietnam Airlines cũng gấp rút xây dựng đề án thành lập hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO
KHÁNH HOÀ
TIN LIÊN QUAN

Nhảy vào thị trường hàng không, FLC sẽ bay như thế nào?

Khánh Hoà |

Lãnh đạo tập đoàn FLC cho biết sẽ nhắm tới các đường bay từ quốc tế đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc thay vì các điểm nóng quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài.

FLC “muốn bay”, thị trường hàng không nội sẽ bùng nổ?

Khánh Hoà |

Tập đoàn FLC vừa gây bất ngờ khi quyết chi 700 tỉ đồng lập hãng hàng không mới có tên Viet Bamboo Airlines. Quyết định này ít nhiều đã tạo sóng trên thị trường hàng không nơi đang có 2-3 hãng hàng không nhăm nhe gia nhập.

Chuẩn bị tăng giá dịch vụ hàng không?

Khánh Hoà |

Thiếu vốn đầu tư hạ tầng, Tổng công ty cảng Hàng không (ACV) tiếp tục xin tăng giá dịch vụ tại sân bay đồng thời đề xuất rút ngắn lộ trình điều chỉnh so với trước.

Lãnh đạo Bệnh viện Mường Lát ký khống hồ sơ cho 18 sinh viên

Trần Lâm |

Thanh Hóa - 18 sinh viên không thực tập tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát nhưng vẫn được lãnh đạo bệnh viện này ký khống xác nhận.

Xảy ra động đất ở Mộc Châu

Đặng Tình |

Ngày 23.9, tại Sơn La, một trận động đất mạnh 3,3 độ richter xảy ra trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Thanh Hóa công bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều địa bàn

Trần Lâm |

Thanh Hóa - Sáng 23.9, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp ở nhiều nơi trên địa bàn.

Vụ phụ huynh “sợ” các khoản thu đầu năm: Kiểm điểm cô giáo

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Sau khi phụ huynh tại một trường tiểu học (ở thị xã Nghi Sơn) bức xúc, "thấy sợ" về các khoản thu đầu năm học, nhà trường đã kiểm điểm một cô giáo.

Hòa Bình di dời khẩn cấp người dân trong đêm, tránh sạt lở

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Tối 22.9, người dân ở tổ 1, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở.