Bán ròng gần 17.000 tỉ đồng
Phiên kết thúc tháng 4.2020, Vn-Index tăng nhẹ 0,25% đưa chỉ số này lên mức 769,11 điểm sau hai phiên giảm trước đó. Tính chung trong tháng 4, Vn-Index tăng hơn 16% còn chỉ số HNX tăng hơn 15%. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá trở lại từ mức 20% trở lên, trong đó có những mã bluechips tăng từ 30-40%...
Một sự hỗ trợ từ chứng khoán Mỹ khi cả ba chỉ số trụ cột của thị trường này là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cũng tăng mạnh trong tháng 4. Dow Jones tăng hơn 11%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 33 năm trở lại. S&P 500 tăng đến 12,7% và Nasdaq tăng 15,5%, mạnh nhất kể từ tháng 6.2000.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến đợt rút vốn dài kỉ lục của khối ngoại. Trong bốn tháng đầu năm, trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), khối ngoại chỉ mua ròng gần 2.000 tỉ đồng vào tháng 1. Còn từ tháng 2-4.2020 khối ngoại liên tiếp bán ròng, thậm chí bán ròng mạnh. Tính riêng trên sàn HoSE, trong bốn tháng đầu năm 2020, khối ngoại bán ròng khoảng 14.735 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,5% giá trị giao dịch trên toàn sàn (hơn 327.250 tỉ đồng).
Tính chung toàn thị trường, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại là hơn 16.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 715 triệu USD.
Chờ dòng tiền khối ngoại vào tháng 5…
Tháng 4.2020 thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhưng chưa có sự đồng thuận từ khối ngoại vì nhiều quĩ đầu tư nước ngoài bán ròng. Tuy nhiên, theo các thống kê lịch sử giao dịch từ những năm trước, khối ngoại thường mua ròng vào tháng 5. Nhưng điều này có lặp lại trong tháng 5.2020 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Một trong những yếu tố được kì vọng dòng tiền từ khối ngoại sẽ quay trở lại là việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ thoái vốn tại 85 công ty cổ phần trong sáu tháng cuối năm 2020. Trong đó, có những khoản đầu tư có giá trị lớn, như tại Tổng công ty Thép Việt Nam – Vnsteel, Tổng công ty Dệt may – Vinatex, tại các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán với các mã cổ phiếu như BMI, BVH, FPT, NTP, DMC… Việc thoái vốn của SCIC tại hàng chục doanh nghiệp được cho là yếu tố kích cầu dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường.
Trong nửa cuối tháng 4, phản ứng tăng điểm từ thị trường chứng khoán Mỹ trở nên lạc quan hơn trước việc các bang tại nước này lần lượt mở cửa lại nền kinh tế. Quyết định mở cửa lại nền kinh tế cũng được các quốc gia Châu Âu thực hiện từng phần. Trong khi đó Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, phần lớn các nhà máy, công xưởng cũng đã đi vào sản xuất trở lại.
Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính đến cuối tháng 3.2020, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 32.000 tài khoản, mức cao nhất trong khoản hai năm trở lại đây. Trên thực tế, những tháng qua khi khối ngoại rút vốn dài và khá mạnh, dòng vốn trong nước đã đóng vai trò lực đỡ quan trọng.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, một khi dòng vốn ngoại quay trở lại đồng thuận với dòng vốn trong nước, sẽ góp phần giúp cho thị trường sôi động hơn trong thời gian tới.