1. Nhầm lẫn giữa cần và muốn
Thông thường bạn sẽ muốn "mua nhiều hơn nữa" thay vì "mua những thứ cần thiết". Ví dụ, bạn muốn uống trà sữa trong khi chỉ cần 1 chai nước lọc để uống khi khát hay bạn muốn 1 bộ đồ mới đi dự tiệc kỉ niệm 5 năm thành lập công ty thay vì chỉ cần 1 bộ đồ tươm tất.
2. Sa đà vào những quảng cáo giảm giá
Mua nhiều thứ không cần thiết vì sự cám dỗ từ quảng cáo, hoặc từ các chương trình khuyến mãi. Ví dụ khi đi siêu thị, thay vì chỉ mua 5 món cần thiết, bạn mua tới 15 món không cần thiết như nước ngọt, đồ ăn vặt, đồ lưu niệm... Hay trong khi chỉ cần 1 chiếc rổ nhưng bạn lại xách về 4 chiếc vì đang có chương trình mua 3 tặng 1...
"Nhất là với điều kiện mua sắm online tiện lợi như hiện nay, mọi người rất dễ bị cám dỗ bởi các thông điệp quảng cáo hấp dẫn từ người bán. Nếu thích một thứ gì đó tôi khuyên bạn đừng vội đặt hàng. Hãy lưu nó vào mục đã lưu, sau đó quay lại khoảng 1 tuần và kiểm tra xem mình cần mua gì", TS Hoàng Thị Bảo Thoa cho biết.
3. Rủ nhau đi mua sắm cho đông vui
Khi cùng bạn bè đi mua sắm, đặc biệt là bạn thân thì chúng ta có xu hướng chi nhiều tiền hơn. Đơn giản là vì nhiều người đi chung thường sẽ vui, mà tâm trạng tích cực sẽ kích thích vung tay quá trán.
Để quản lý tài chính thông minh, bạn hãy thay đổi quan niệm rằng mua sắm không không phải giải trí mà là một nhiệm vụ nghiêm túc. Lý tưởng nhất là chọn những người có kinh nghiệm shopping đi cùng thì họ sẽ giúp bạn đưa ra lời khuyên và ngăn chặn những lúc quá lố.
4. Cố gắng thể hiện trước bạn bè
Bắt chước theo lối sống của bạn bè hoặc đồng nghiệp là vấn đề không chỉ riêng ai. Một cuộc khảo sát của Hội Kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA) cho thấy, 78% thanh niên từ 25 đến 34 tuổi nhìn thói quen tiêu xài của người khác để áp vào lối chi tiêu của mình.
Theo đó, việc lựa chọn ăn ở đâu, mặc gì và mua sắm những món đồ nào đều là học theo bạn bè xung quanh. Thói quen này sẽ phá hỏng ngân sách thực tế của bạn. Người bạn kia có thể mua điện thoại 30 triệu, đi du lịch nước ngoài liên tục không có nghĩa là bạn cũng có thể làm tương tự.
5. Ai hỏi cũng cho vay tiền
Ngân hàng kiểm tra lịch sử tín dụng với mỗi người vay tiền. Hãy áp dụng điều này với bản thân bằng việc cân nhắc thật kỹ khi có người quen nào khó khăn hỏi vay bạn một khoản.
Ngoài tự biết mình có đủ tiền cho vay hay không, bạn cần đặt ra những câu hỏi như: Họ vay tiền để làm gì? Họ làm gì để trả tiền mình? Bao giờ thì họ trả? Trả nhiều lần hay một lần?... Nhiều trường hợp cho vay rồi mất tiền và mất luôn cả mối quan hệ.
Để hiểu rõ hơn về những mẹo chi tiêu hiệu quả, TS Hoàng Thị Bảo Thoa - Giảng viên Viện Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh số tiếp theo.
Số 10 với chủ đề "Vaccine chống "viêm màng túi"" sẽ được phát sóng trên laodong.vn vào 19h tối ngày mai (14.4). Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF).