Anh A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là người có thâm niên 25 năm trồng sâm ở núi Ngọc Linh. Theo anh Sỹ, trong thời gian nhân giống cây sâm, người công nhân phải tốn nhiều công sức bảo vệ vườn sâm.
Thời tiết miền núi lạnh giá, khắc nghiệt, vườn sâm luôn bị đe dọa bởi loài chuột núi chỉ chuyên ăn các hạt sâm. Các con vật từ núi xuống phá vườn, thỉnh thoảng lại có mưa đá, giông lốc. Nếu không bảo vệ chu đáo, 24/24h thành quả vườn sâm sẽ không còn.
Ở trên đỉnh Ngọc Linh sương mù dày đặc, mưa phùn, cây cối ướt át, nhiệt độ dao động từ 15-16 độ C. Các vườn sâm giữa rừng tự nhiên, cách mực nước biển hơn 1.500m, vườn sâm được bao rào quanh bằng lưới sắt B40 cao hơn 2m, cách cổng có một chốt bảo vệ. Khi có người lạ xuất hiện, bảo vệ đánh kẻng cảnh báo. Việc đi vào vườn sâm Ngọc Linh đang gieo trồng, chờ lấy hạt phải được chủ vườn đồng ý.
Mỗi vườn ươm sâm Ngọc Linh có diện tích 3-4m2 nhưng có cả nghìn cây con. Việc nhổ cây được các công nhân làm thủ công, bằng tay. Mọi người dùng tay xới nhẹ lên mặt đất để lấy cây giống. Sau khi nhổ cây con, các ô vườn ươm được công nhân dùng lá khô phủ lên bề mặt, để tạo mùn, thêm dinh dưỡng cho đất.
Mỗi quả sâm có giá khoảng 100.000 đồng, khi ươm thành công ra cây sâm giống thì giá trên thị trường khoảng 300.000 đồng/cây. Tuy nhiên, người dân chủ yếu ươm trồng, ít bán ra thị trường nên cây giống rất khan hiếm.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông Phạm Đình Thanh - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét công nhận sâm Ngọc Linh là loại cây trồng chính để quản lý theo Luật Trồng trọt được cấp phép nuôi trồng. Qua đó, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế từ dược liệu cho người dân.
Chính quyền tỉnh Kon Tum phấn đấu khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn, đạt 50 tấn nguyên liệu/năm. Đồng thời phát triển 2.500ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung phù hợp điều kiện tự nhiên theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.