Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng COVID-19 từ ngày 8.1.2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero COVID-19 được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu vào thị trường tỉ dân này.
Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế - về vấn đề này.
Theo ông, động thái mở cửa của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
- Trung Quốc cung cấp từ 40% tới 80% các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, khi mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất với giá thành rẻ hơn so với quốc tế.
Mở cửa cũng sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang phía Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Trung Quốc mở cửa cũng sẽ kéo theo du khách đổ vào Việt Nam. Thu nhập từ du lịch chắc chắn sẽ tăng lên nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời khi mở cửa kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác cạnh tranh rất mãnh liệt với Việt Nam. Bởi những gì chúng ta có thế mạnh thì Trung Quốc cũng có lợi thế tương tự. Không những thế, họ còn có công nghệ cao hơn, năng lực tập trung và chất lượng hàng hoá tốt hơn. Áp lực này sẽ làm giảm xuất khẩu của Việt Nam và thế giới, cũng như giảm khả năng thu ngoại tệ từ các quốc gia khác.
Xét rộng ra thế giới thì Trung Quốc mở cửa cũng sẽ có hai tác động. Một là giá cả nguyên vật liệu đầu vào, linh phụ kiện và xăng dầu sẽ tăng lên để phục vụ nền sản xuất Trung Quốc. Hai là Trung Quốc có thể sản xuất thêm nhiều đơn hàng hơn để cung cấp ra thế giới, thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Hai mặt vấn đề này sẽ đan xen nhau. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phát huy lợi thế và khắc phục dần nhược điểm.
Sau bao lâu kể từ khi Trung Quốc mở cửa thì Việt Nam mới đánh giá rõ mức độ tác động?
Trung Quốc mở cửa vào 8.1 này sẽ tác động ngay đến một số ngành nghề và lĩnh vực của chúng ta. Ví dụ hàng hóa nông sản khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không cần kiểm dịch nữa. Mặt hàng công nghiệp sẽ dần tăng lên sau đó từ nửa tháng đến 1 tháng. Từ 2 - 3 tháng thì tác động có thể toàn diện đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực mà chúng ta có quan hệ với Trung Quốc trong thời gian trước đây. Tôi hy vọng rằng hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ quay trở lại chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ.
GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ cải thiện như thế nào từ động lực này?
- Tác động tới GDP Việt Nam từ việc Trung Quốc mở cửa toàn diện được đánh giá ở nhiều chiều hướng khác nhau cũng như khả năng thích ứng của nước ta. Nếu tận dụng được lợi thế tăng trưởng và phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì ngay trong năm 2023, GDP có thể tăng thêm đâu đó khoảng 0,5 - 0,75%.
Liệu việc Trung Quốc mở cửa có làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay không?
- Chúng ta đều biết rằng thị trường Trung Quốc rất lớn và tương đối thuận lợi cho các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và yếu tố lao động, tiền lương thì cục diện đã có phần thay đổi. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã tìm cách rời khỏi thị trường tỉ dân để mở rộng ra xung quanh.
Thêm nữa, do Trung Quốc hiện nay có những chính sách chặt chẽ hơn trước đây với nhà đầu tư nước ngoài nên tính ưu đãi của môi trường đầu tư cũng thấp đi.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, môi trường đầu tư được cải thiện, đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với USD nên hiện nay Việt Nam đang là nơi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tương đối lớn.
Nhìn lại năm 2022, tổng vốn đầu tư quốc tế trên toàn thế giới giảm xuống khoảng 40% so với cái năm 2021. Tuy nhiên tỉ lệ hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ giảm nhẹ 11%. Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện lại tăng trưởng đến 14% đang cho thấy Việt Nam là nơi các nhà đầu tư nước ngoài thực sự muốn đổ vốn vào.
Tôi cho rằng với đà tăng trưởng kinh tế tích cực, kèm theo cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như các chính sách cởi mở của Chính phủ thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục đổ vào nước ta mạnh mẽ hơn trong 2022.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!