Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và quan trong nhất tại khu vực Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Hiện nay, Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỉ USD trong năm 2021. Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỉ USD vào năm 2023.
Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC), các doanh nghiệp (DN) của 2 nước đã có được các cơ hội kinh doanh mới. KVECC đã giúp liên kết, phát triển và khám phá tiềm năng hợp tác giữa 2 thị trường thông qua hợp tác với các bộ ban ngành của chính quyền địa phương, cũng như chính phủ Việt Nam và các công ty có kỹ năng và công nghệ vượt trội của Hàn Quốc.
Ông Kwon Jae Heang - Chủ tịch KVECC kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc - nhấn mạnh: “Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Thông qua Đại sứ quán, chúng tôi đã tìm hiểu những chính sách ở cả hai nước, sau đó, đưa lên những đề án tới cơ quan liên quan để xem xét có chính sách nào thuận lợi cho DN Việt Nam vào Hàn Quốc và chúng tôi trao đổi vấn đề này rất nhiều”.
Tuy nhiên, GS Hà Tôn Vinh - Chuyên gia Tư vấn cao cấp vùng Châu Á của Ngân hàng Thế giới - cũng lưu ý: Việt Nam nhân công rẻ, nhưng đây không phải là thế mạnh mãi mãi.
“Có một lúc nào đó, các DN đầu tư nước ngoài, như Hàn Quốc thấy nhân công Việt Nam không còn rẻ, tay nghề Việt Nam không thể phát triển nữa, họ sẽ tìm nơi khác như Banglades, Lào… Lúc đó, chúng ta sẽ mất thế mạnh của mình.
Vậy Chính phủ, người dân và DN phải hỗ trợ, giao cho nhau, giao cho DN một số công việc. Chính phủ chỉ quản lý, giám sát, bảo đảm quyền lợi công bằng trong vấn đề cạnh tranh, nhưng DN phải đứng đầu“- GS Hà Tôn Vinh nói.
Kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào "dòng chảy" đầu tư
Sáng 27.8.2022, tại toạ đàm kinh tế “Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc" do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập phối hợp cùng KVECC tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) - nhấn mạnh: Điều cốt lõi có thể quyết định thành công trong hợp tác Việt-Hàn thời gian tới, không phải là các DN lớn mà chính là các DNNVV.
Làm thế nào để trong hợp tác giữa hai nước, các DNNVV nội địa không bị đứng ngoài. Làm sao để các DN của Hàn Quốc có thể kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để họ có thể trở thành các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc, chứ không phải là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc mang cả hệ sinh thái của họ vào Việt Nam, điều này sẽ không mang lại cơ hội phát triển cho các DNNVV nội địa.
“Khi mà FDI vào Việt Nam không kết nối được với cộng đồng DNNVV địa phương có nghĩa là sẽ không thể bám rễ được vào thị trường Việt Nam, chúng ta sẽ không thể xây dựng được một mối quan hệ bền vững, đó là một yêu cầu rất quan trọng” - TS Vũ Tiến Lộc nói.
DNNVV là xương sống trong phát triển kinh tế mọi nước trên thế giới. Như vậy, trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Hàn, DNNVV cũng phải trở thành xương sống chứ không phải chỉ là các tập đoàn hàng đầu. Đây chính là vấn đề đang còn hạn chế cần khắc phục.
"Hiện nay, có những vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho DNNVV của Hàn Quốc có thể về Việt Nam, và đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các DNNVV Việt Nam có thể kết nối với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Đấy chính là hướng đi vô cùng quan trọng" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.